Multimedia Đọc Báo in

Một thuở hào hùng của người dân buôn Hang Ja và Yang Kring

15:11, 28/05/2017

Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, hơn 100 hộ dân của buôn Hang Ja và Yang Kring (xã Bông Krang, huyện Lắk) đã đi theo bộ đội, phục vụ kháng chiến.

Chiến tranh đã đi qua 42 năm nhưng giờ đây khi kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng ấy, dân làng vẫn không khỏi tự hào. Theo già Y Sa Liêng Hot (buôn Yang Kring), trước đây, người dân 2 buôn sinh sống tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1961, họ đã vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chế độ Mỹ - ngụy và theo cán bộ lên rừng làm cách mạng. Sống trong rừng thiếu thốn trăm bề nhưng họ vẫn sát cánh cùng bộ đội sản xuất và chiến đấu. Ngoài ra còn tham gia dân công đi tải gạo, tải đạn, vận chuyển hàng hóa vào Sài Gòn, Phú Yên thậm chí sang tận Campuchia, ít thì 3-4 tháng, nhiều thì nửa năm mới về, có nhiều người đã hy sinh vì trúng đạn của địch.

4 năm sống trên rừng, người dân phải thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh sự càn quét của địch. Năm 1965, người dân theo bộ đội đến khu căn cứ cách mạng thuộc xã 3, H10 (nay là huyện Lắk). Đây cũng là năm đầy máu và nước mắt mà người dân 2 buôn không thể nào quên. Vào một buổi sáng tháng 4 năm 1965, khi cả buôn đang họp trong một vùng núi sâu thì máy bay Mỹ ập đến thả bom xối xả. Già Y Sa nhớ lại: “Già cũng có mặt trong buổi họp đó, nhưng chỉ kịp nghe một tiếng nổ lớn, mặt đất rung mạnh rồi ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, xung quanh già là cảnh tượng hết sức kinh hoàng, tất cả đều đổ nát, người chết, bị thương nằm la liệt”. 

Một góc buôn Hang Ja ngày nay.
Một góc buôn Hang Ja ngày nay.

Sau khi bị địch tập kích, đã có hàng chục người vĩnh viễn ra đi để lại sự căm phẫn tột cùng trong lòng người ở lại, làm cho ý chí đấu tranh của người dân 2 buôn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều thanh niên trong buôn đã cùng bộ đội lập được nhiều chiến công mà đến nay người già vẫn kể cho con cháu mình nghe. Già Y Sa kể: Năm 1967, 3 thanh niên trong buôn Yang Kring là Y Sưng Liêng, Y Chu Liêng, Y Zrilh Liêng đã dùng súng trường bắn cháy 1 máy bay của quân Mỹ. Hay như chiến sĩ du kích tên Y Đôn R’ông (buôn Hang Ja) trên đường đi công tác gặp toán quân địch nhưng đã bình tĩnh chống trả và cướp được một khẩu súng.

Từ năm 1971, người dân lại theo bộ đội về vùng căn cứ cách mạng Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do làng cũ bị tàn phá nên người dân 2 buôn được đưa về sinh sống tại xã Bông Krang, huyện Lắk cho đến ngày nay.

Sau khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, nhiều người con của 2 buôn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Y Đôn R’ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang; 3 bà mẹ là H’Riêng Liêng, H’Nét Liêng và H’Cơi Buôn được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… 

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.