Multimedia Đọc Báo in

Đi và cảm nhận yêu thương

09:28, 26/06/2017

Đi, viết, và nhận yêu thương là những trải nghiệm ý nghĩa với tôi khi bước vào nghề báo.

Theo các bậc đàn anh trong nghề, đã là người làm báo phải đi mới có thể viết được bài, xuống cơ sở, được tận mắt chứng kiến những sự việc, sự kiện đang xảy ra, mới thông tin sự thật khách quan đến với công chúng. Chỉ ngồi ở nhà và làm “báo salon”, nhận thông tin một chiều, rồi viết theo suy luận, cảm tính riêng, thậm chí còn hư cấu thêm không gắn liền với thực tế là điều không nên.

Một vài lần, tôi đã nhận được báo cáo cụ thể chi tiết của cơ sở về vấn đề đang quan tâm, thế nhưng khi đến thực tế thì lại khác xa, khiến tôi không khỏi băn khoăn tại sao lại có sự chênh lệch này? Báo cáo sai hay vì sau khi báo cáo xong tình hình tại địa bàn thay đổi mà mình chưa cập nhật thông tin, hay vì một nguyên nhân nào khác? Thế nên tôi càng hiểu giá trị của những chuyến đi. Khi đi cảm xúc từ thực tế sẽ mang lại cho người làm báo cảm hứng thăng hoa khi thể hiện bài. Đi cũng là cách để thấy sự thay đổi trong nhận thức suy nghĩ, trưởng thành trong nghề nghiệp. Bước chân mỗi ngày mỗi khác, càng đi bản lĩnh sẽ càng vững.

Phóng viên báo hình tác nghiệp tại cơ sở.
Phóng viên báo hình tác nghiệp tại cơ sở.

Mỗi chuyến đi cơ sở trong tôi chất chứa nhiều cảm xúc, buồn vui lẫn lộn. Thế nhưng phải công nhận rằng, những “quả ngọt” mà nghề mang lại có dư vị rất lâu. Những lúc đi cơ sở cùng các đơn vị đoàn thể tôi như được sống những ngày tuổi trẻ, được cống hiến, và từ đó có tư liệu, cảm xúc viết về những gương điển hình tiên tiến hay những mảnh đời khó khăn... Sau mỗi bài báo được đăng là những dòng tin nhắn cảm ơn, là những cuộc điện thoại ấm áp đến lạ.

Còn nhớ, trong một lần xuống huyện Krông Ana để tìm tư liệu viết bài, tôi được giới thiệu về hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Minh (lớp 11A9, Trường THPT Hùng Vương, thị trấn Buôn Trấp). Em bị tật và không thể tự làm vệ sinh cá nhân nhưng học rất giỏi, từ lớp 1 đến lớp 10 nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện, ngôi nhà gỗ nhỏ treo đầy giấy khen.

Dù biết trường hợp của em đã có đồng nghiệp viết, nhưng với tôi điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn là khi được tận mắt chứng kiến nghị lực của em, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu. Nhìn Minh với đôi vai gầy vẫn miệt mài trau dồi kiến thức, vượt qua những mặc cảm để vươn tới ước mơ trở thành chuyên viên công nghệ thông tin, tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, và đó chính là thành quả lớn nhất trong chuyến đi. Đặc biệt, tôi còn được yêu thương và sẻ chia những khó khăn với chị Vân (mẹ của em Minh), chị vẫn gọi điện cho tôi để hỏi han công việc, cuộc sống. Tôi rất vui và đó cũng là động lực để thêm gắn bó với nghề.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.