Sâu nặng nghĩa tình
Họ là những nữ thanh niên xung phong, từng vào sinh ra tử nơi đạn bom, khói lửa, hay chỉ là người vợ, người mẹ đảm đương công việc nơi hậu phương nhưng ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn cao quý, thủy chung son sắt, với mong ước một cuộc sống yên lành, giản dị...
Ấm áp tình người
Sinh năm 1947 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; năm 1965 tham gia thanh niên xung phong; năm 1966 bị thương nặng; sau đó công tác tại Ty Giao thông tỉnh Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu, rồi chuyển vào Đắk Lắk sinh sống..., với đôi nét phác họa ấy chưa đủ để nói hết những vất vả, khó khăn mà bà Lê Thị Thu (buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) trải qua.
Trong căn nhà đơn sơ được cho ở nhờ, vật dụng không có gì khác ngoài chiếc giường và bộ bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp, nhìn khuôn mặt xanh xao, thân hình gầy yếu và những giọt nước mắt lăn dài vì xúc động mới thấu hiểu, cảm thương về phận đời của bà. Sinh ra với thân thể lành lặn, hăng hái tham gia thanh niên xung phong, vậy mà trong một lần máy bay thả bom tại Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An), bà bị thương, phải cưa một chân đến đầu gối... Được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, bà đảm nhận công việc văn thư tại Ty Giao thông tỉnh Nghệ An, rồi kết hôn với người chồng bị bệnh tật, khi tỉnh, khi mê. “Tôi lấy ông ấy vì thương hoàn cảnh của ông cũng là thương binh như mình, nhưng do mất hết giấy tờ nên chẳng có chế độ gì cả. Bị ảnh hưởng của vết thương nơi đầu nên ông ấy lúc tỉnh táo, lúc lại trở tính; kinh tế chẳng có gì, hai vợ chồng dựa vào nhau mà sống...”, bà Thu tâm sự.
Bà Trần Thị Liên chăm sóc ông Hồ Sỹ Sơn. |
Hai vợ chồng ông bà Thu không có con, thương hoàn cảnh khó khăn nên khi bà nghỉ hưu, một người cháu đã đón vào Đắk Lắk giúp trông nom rẫy cà phê. Cách đây 3 năm thì ông mất, bà mỗi ngày già yếu, gần đây bị tai biến liệt nửa người. “Tôi có một thân một mình, nếu chẳng may nửa đêm có chuyện gì thì cũng không có ai hay biết. May nhờ có hàng xóm vẫn thường sang giúp đỡ, chăm sóc lúc ốm đau. Dù điều kiện, hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn mình, cũng có mẹ già bị tâm thần, con cái nheo nhóc, cuộc sống khó khăn...”, bà Thu nghẹn ngào.
Thủy chung son sắt
“Nếu không có bà ấy chăm lo sản xuất, trông nom con cái, chăm sóc mẹ già thì tôi không thể yên tâm chiến đấu, công tác...”, ông Hồ Sỹ Sơn (thôn 11, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) nói về người bạn đời của mình– bà Trần Thị Liên với tình cảm yêu thương, trân trọng.
Ông Sơn (sinh năm 1935), bà Liên (sinh năm 1939), hai người nên duyên vợ chồng từ năm 1957. Với ông bà dù cho cuộc sống có lúc khó khăn, gian khổ nhưng chỉ cần đặt lòng tin nơi nhau thì sẽ vượt qua được. Nhớ lại năm 1974, ông được tăng cường vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bà ở hậu phương vừa tham gia sản xuất - là tổ trưởng hợp tác xã, vừa phụ trách công tác phụ nữ của thôn, lại chăm sóc mẹ chồng 86 tuổi và 5 con nhỏ. Vất vả là thế nhưng bà vẫn hoàn thành tốt mọi công việc, không một lời phàn nàn. Bà kể: “Thời ấy ai cũng như mình, tích cực sản xuất, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm chiến đấu. Tôi cũng xác định, trong trường hợp xấu nhất, nếu ông ấy hy sinh mình sẽ ở vậy nuôi con, chăm sóc mẹ chồng...”.
Đất nước giải phóng, ông Sơn tiếp tục công tác ở Sư đoàn 333; năm 1984 cả gia đình mới chuyển theo ông vào Đắk Lắk sinh sống. Một lần nữa bà lại cùng ông bắt tay xây dựng kinh tế gia đình. Ngoài 3 ha cà phê nhận chăm sóc theo hợp đồng, bà còn tăng gia sản xuất, trồng thêm hoa màu; chăm lo con cái và quán xuyến công việc gia đình để ông yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian ông công tác ở Sư đoàn cũng như khi chuyển ngành sang làm việc ở Liên hiệp các xí nghiệp Cà phê Việt Nam. “Tôi đi chiến đấu, công tác xa gia đình suốt thời gian dài, lúc nghỉ hưu tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng một thời gian. Gần đây, do di chứng của chiến tranh (nhiễm chất độc da cam/điôxin với tỷ lệ giám định y khoa 81%) tôi bị liệt nửa người, đi đứng khó khăn... một mình bà ấy chăm lo chu toàn”, ông Sơn chia sẻ.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc