Multimedia Đọc Báo in

Đìu hiu thư viện xã

13:28, 28/08/2017

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 33 thư viện và phòng đọc cấp xã (trong đó có 15 thư viện), với 5.719 bản sách các loại. 

Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng các điểm đọc sách tại 108 bưu điện cấp xã (mỗi điểm 150 đầu sách) để phục vụ nhu cầu đọc của độc giả. Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết các thư viện, điểm đọc sách cơ sở hoạt động kém hiệu quả.

Thư viện vắng người đọc

Thư viện xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) hiện có khoảng trên 200 đầu sách và 5 máy vi tính có kết nối Internet để phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Ngọc, cán bộ văn hóa xã thì tủ sách được để ở phòng Văn hóa - Thông tin, còn máy vi tính lại đặt ở phòng Công tác Xóa đói giảm nghèo, Thương binh - Xã hội. Có lẽ do sự bất tiện này nên hầu như không có người dân nào đến đọc, mượn sách; còn các máy vi tính của thư viện thì lại được cán bộ xã sử dụng để làm việc.

Các em học sinh đến đọc sách tại Thư viện huyện Buôn Đôn.
Các em học sinh đến đọc sách tại Thư viện huyện Buôn Đôn.

Tương tự, ông Lê Thanh Phong, cán bộ văn hóa, phụ trách quản lý Tủ sách pháp luật xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện nay tủ sách pháp luật của xã được đặt tại góc phòng họp chung (tầng 2) của UBND xã. Vì vậy, người dân dù muốn đọc sách cũng khó được vào khi có tổ chức họp. Tình trạng vắng người cũng xảy với hầu hết các thư viện, phòng đọc, tủ sách pháp luật ở các xã Ea Bar, Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn), Ea Toh (huyện Krông Năng), Quảng Điền (huyện Krông Ana)...

 
“Văn hóa đọc của người dân chưa bao giờ bị mai một, vấn đề là mình có khơi dậy được hay không. Bằng chứng là mỗi tháng, dưới sự quản lý trực tiếp của Phòng Văn hóa - Thông tin, Thư viện huyện Buôn Đôn vẫn thường đón tiếp từ 600 - 700 lượt bạn đọc trên địa bàn”
 
Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn

Bà Trần Thị Cúc ở thôn 5, xã Hòa Thắng cho hay “Trước đây tôi có đến UBND xã để đọc sách. Nhưng lượng sách ở đây khá ít, những loại sách người dân cần thì không có. Nhiều tài liệu, văn bản luật trưng bày đã quá cũ, không còn phù hợp với thực tế. Hơn nữa, phòng đọc sách lại nằm chung trong phòng họp của xã, người dân không có chỗ ngồi đọc sách nên rất bất tiện”.

Đâu là giải pháp?

Bà Phạm Thị Kim, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Nguyên nhân chính khiến các thư viện xã vắng người đọc là do hiện nay hầu hết các thư viện, phòng đọc sách đều không được bố trí phòng riêng với các trang thiết bị như bàn, ghế, tủ kệ… phục vụ bạn đọc mà đang đặt chung trong các phòng chuyên môn của xã; thiếu biên chế cán bộ thư viện nên giao cho người phụ trách bộ phận văn hóa xã kiêm nhiệm quản lý. Một lý do khác là các thư viện xã đều mở cửa theo giờ hành chính, không hoạt động vào ngày thứ bảy, chủ nhật, trong khi đây mới là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ học để ra đọc sách. Thêm vào đó, một số thư viện xã do không quản lý và sử dụng sách hiệu quả nên mỗi khi Thư viện tỉnh cấp sách luân phiên về thì sợ mất nên không nhận, dẫn đến nguồn sách trên kệ bị cũ, chỉ có tác dụng trưng bày, thiếu sức hút người đọc…

Theo ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn, việc thư viện cấp xã vắng khách là do đội ngũ nhân viên quản lý là cán bộ kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu trong công tác giới thiệu, quảng bá sách để khơi dậy niềm đam mê cho độc giả… Vì vậy, chính quyền các xã cần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, đặc biệt là kỹ năng giới thiệu, quảng bá sách, đi kèm với đó là chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác; đẩy mạnh việc thực hiện đề án thư viện điện tử trong quản lý sách… Từ đó mới từng bước giải được “bài toán khó” là các thư viện xã đìu hiu, điểm đọc sách, tủ sách pháp luật “ngủ đông” quanh năm như hiện nay.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.