Multimedia Đọc Báo in

Ea Kao mong chờ nguồn nước sạch

07:42, 22/08/2017

Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm và có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, do chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch nên đến nay địa phương vẫn còn “nợ” chỉ tiêu số hộ dân sử dụng nước sạch.

Là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố đã về đích từ năm 2015, thế nhưng đến nay xã Ea Kao vẫn đang cố gắng hoàn thiện một số tiêu chí còn “nợ”. Trong đó, việc thực hiện chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định (trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm) vẫn chưa thể hoàn thành. Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17- 10- 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thì xã nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên phải có từ 95% trở lên số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; trong đó có trên 50% hộ sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, đến nay xã Ea Kao chỉ mới đạt 95% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, số hộ được sử dụng nước sạch thì vẫn chưa có.

Một hộ dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) mua máy lọc để bảo đảm nguồn nước  phục vụ ăn uống.
Một hộ dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) mua máy lọc để bảo đảm nguồn nước phục vụ ăn uống.

Ông Đoàn Đắc Mãi (thôn 3) cho biết, trước đây gia đình ông sử dụng nguồn nước giếng đào phía sau nhà để phục vụ sinh hoạt, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay do nguồn nước này quá gần nhà vệ sinh các hộ xung quanh nên ông phải thuê người khoan giếng sâu hơn ở phía trước sân nhà, đồng thời đầu tư thêm gần 5 triệu đồng mua máy lọc để lấy nước uống và nấu ăn. Hay như gia đình chị H’Ner Niê (buôn Cư Mblim) vì cuộc sống quá khó khăn nên chẳng có điều kiện để khoan giếng hay mua máy lọc nước, lâu nay mọi nhu cầu sinh hoạt đều sử dụng nguồn nước giếng đào.

Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17-6-2009. Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau khi lọc thoả mãn các yêu cầu chất lượng: Không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Thực tế hiện nay là do chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch nên người dân xã Ea Kao đều dùng nước giếng phục vụ sinh hoạt. Thời điểm triển khai xây dựng nông thôn mới, địa phương đã lấy mẫu nước gửi đi kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước bị nhiễm tạp chất, hợp chất hữu cơ vượt mức cho phép. Do đó, để bảo đảm vệ sinh, một số hộ có điều kiện kinh tế đã đầu tư kinh phí mua máy lọc nước phục vụ việc ăn uống, tuy nhiên số này chỉ chiếm khoảng 10% hộ dân; còn lại vẫn dùng nước giếng trực tiếp. “Được biết, tỉnh đã có chủ trương xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho người dân các vùng phụ cận TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có xã Ea Kao. Hy vọng dự án này sẽ sớm triển khai để người dân xã Ea Kao có nguồn nước sạch trong sinh hoạt cũng như giúp địa phương sớm hoàn thành chỉ tiêu số hộ dân được dùng nước sạch theo quy định của chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao bày tỏ.

Nước sạch nông thôn là một phần nhiệm vụ của chương trình xây dựng nông thôn mới bắt buộc phải đạt được, nhưng quan trọng nhất là sức khỏe con người. Chính vì thế, để mỗi địa phương nói chung, xã Ea Kao nói riêng hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong tiêu chí môi trường, không để chỉ tiêu này trở thành rào cản thì ngoài sự cố gắng của địa phương cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ xây dựng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.