Multimedia Đọc Báo in

Những bác sĩ ở phía sau cánh cửa trại giam

07:41, 29/08/2017

Vượt qua những căng thẳng, vất vả, các y bác sĩ Bệnh xá Trại giam Đắk Trung đã giúp nhiều phạm nhân hồi phục sức khỏe và cải tạo tốt.

Chúng tôi có mặt tại Trại giam Đắk Trung (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, đứng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar) đúng lúc các y bác sĩ của Bệnh xá đang khám bệnh cho phạm nhân. Dẫu thầy thuốc và bệnh nhân nơi đây mang trên mình 2 màu áo rất đặc trưng: Cảnh phục và phạm nhân, song không vì thế mà thiếu những cử chỉ gần gũi, lời căn dặn ân cần. Phạm nhân V.H.T. (SN 1979), quê ở Quảng Ngãi chia sẻ: “Tôi bị bệnh tim đã nhiều năm nay và đang chấp hành án hơn 7 năm tù về tội hiếp dâm. Mỗi khi bệnh tái phát, bất kể ngày hay đêm, tôi đều được các y bác sĩ khám, điều trị kịp thời và chăm sóc tận tình. Những cử chỉ, lời nói ân cần, chân tình của họ giúp tôi vơi bớt mặc cảm, quyết tâm cải tạo tốt để có thể trở về làm lại cuộc đời”.

Theo Trung tá, bác sĩ Cao Huy Vui, Phó Đội trưởng Đội Y tế môi trường, Trại giam Đắk Trung: Bệnh xá hiện có 2 bác sĩ, 6 y sĩ và 4 điều dưỡng, đảm đương nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc, điều trị cho trên 250 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và 1.300 phạm nhân. Trung bình mỗi ngày, các y bác sĩ khám và cấp thuốc cho khoảng 150 lượt phạm nhân. Trong môi trường công tác đặc thù, cơ sở vật chất thiếu thốn, anh em vẫn cố gắng động viên nhau vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại đơn vị.

Các y bác sĩ của Bệnh xá Trại giam Đắk Trung khám bệnh cho phạm nhân.
Các y bác sĩ của Bệnh xá Trại giam Đắk Trung khám bệnh cho phạm nhân.

Nghe các y bác sĩ kể về công việc có vẻ rất nhẹ nhàng, song có tận mắt chứng kiến mới thấy sự nhẹ nhàng ấy là cả một chuỗi công việc từ thăm khám, chữa bệnh, phát thuốc, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, lao, HIV/AIDS, cho đến túc trực kiểm tra sức khỏe mỗi khi phạm nhân xuất, nhập Trại. Ấy là chưa kể những tình huống bất ngờ xảy ra trong đêm, rồi nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình khám và điều trị… Có thâm niên gần 30 năm làm công tác chăm lo sức khỏe cho phạm nhân, Trung tá Cao Huy Vui đã từng đối mặt với đủ loại tình huống, những loại bệnh thường chỉ xảy ra trong trại giam khi các phạm nhân cố tình hủy hoại mình để đạt được mục đích thoát tội. Anh bộc bạch: Có những phạm nhân từng một thời “xưng hùng, xưng bá” ở ngoài đời, nhưng khi vào đây, ốm đau, bệnh tật thì chỉ trông chờ vào y bác sĩ của bệnh xá. Vì thế, chúng tôi chăm sóc điều trị cho họ không chỉ vì trách nhiệm mà cao hơn cả là tình người, là tấm lòng của thầy thuốc với người bệnh.

Trung tá, bác sĩ Cao Huy Vui kiểm tra sức khỏe cho một phạm nhân bị tăng huyết áp.
Trung tá, bác sĩ Cao Huy Vui kiểm tra sức khỏe cho một phạm nhân bị tăng huyết áp.

Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, các cán bộ chiến sĩ mang trên mình chiếc báo blouse trắng còn là những "kỹ sư tâm hồn". Chính những cử chỉ ân cần, tình yêu thương của họ đã từng bước cảm hóa phạm nhân – những người từng một thời lầm lỡ. Bởi như lời phạm nhân N.M.H., 40 tuổi, ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, đang chấp hành án hơn 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Vào trại, mỗi phạm nhân một tội, nặng nhẹ khác nhau. Thế nhưng, khi đau ốm, tất cả đều được đối xử như nhau. Chẳng kể ngày hay đêm, hễ ai đau ốm, các y bác sĩ đều có mặt kịp thời để kiểm tra, điều trị, hướng dẫn chúng tôi dùng thuốc, cách chăm sóc bản thân để nhanh khỏi bệnh. Sự đối xử ấy như “liều thuốc bổ”, giúp chúng tôi thấy được những điều tốt đẹp, từ đó trân trọng cuộc sống hơn và cải tạo tốt.

Có thể nói, những việc làm thầm lặng của cán bộ, y bác sĩ Bệnh xá Trại giam Đắk Trung đã tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân. Họ đã và đang góp sức cảm hóa, giúp những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về cộng đồng, hòa nhập cuộc sống.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.