Tấm lòng sẻ chia với nạn nhân chất độc da cam
Ông Phái nhập ngũ 1972, chiến đấu ở chiến trường B và trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hơn 13 năm phục vụ trong quân đội và 10 năm công tác ở cơ quan Nhà nước, ông Phái trở về đời thường, đối diện với cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn: mẹ già yếu, vợ vừa làm thuê vừa chăm lo cho các con nhỏ. Càng lớn, 2 con của ông thường lên cơn co giật, không vận động được chân, tay, mọi việc đều cần người giúp đỡ. Thương con, vợ chồng ông vay mượn tiền đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng bởi bác sĩ kết luận các cháu bị dị dạng, dị tật do di chứng chất độc da cam từ bố. “Lúc ấy, hai vợ chồng thực sự suy sụp, chán nản, nhưng tôi luôn nghĩ mình là người lính Cụ Hồ, may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, dù cuộc sống có cơ cực cũng phải cố gắng vươn lên”, ông Phái chia sẻ.
Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh cùng các mạnh thường quân thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông Ngô Hồng Phái (ngoài cùng bên trái). |
Để vực dậy kinh tế gia đình, ông mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã mua 5 sào đất trồng hoa màu “lấy ngắn nuôi dài”, tích cóp trồng cà phê, dần dần cuộc sống cũng đỡ túng thiếu, trả hết các khoản nợ. Mang trong mình di chứng của chất độc da cam, thường xuyên đau ốm nên ông thấu hiểu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của những đồng chí, đồng đội và con cháu của những người cùng cảnh ngộ. Vì vậy, năm 2008, ông tự nguyện tham gia Ban vận động thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk, đến năm 2009, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
Lúc ấy, công tác Hội gặp nhiều khó khăn, hoạt động trong tình trạng 5 “không” (kinh phí hoạt động, văn phòng làm việc, điện thoại, phụ cấp, kinh nghiệm) nhưng ông và Ban Chấp hành không nản chí. Với chiếc xe máy cũ, ông lặn lội xuống tận các thôn, buôn tuyên truyền, vận động thành lập Hội cơ sở. Lần đầu không được, ông đi lần thứ 2, thứ 3. Đến cuối năm 2013, 4/4 xã (đạt 100%) của huyện đã tiến hành đại hội, kết nạp được 207 hội viên; nhiệm kỳ 2013-2018, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Sau khi hoàn thành xây dựng tổ chức Hội, ông cùng Ban Chấp hành xây dựng quy chế làm việc từ cấp huyện đến cơ sở, rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng hội viên, chú trọng vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân. Không những vậy, ông Phái còn tích cực “săn” những dự án hỗ trợ của cấp trên, làm tờ trình xin về cho nạn nhân ở Hội mình được thụ hưởng. Tính từ năm 2009 đến nay, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk đã vận động được trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà Tình nghĩa, trao tặng 8 sổ tiết kiệm, 9 chiếc xe lăn và hàng trăm suất quà, vật dụng khác cho các nạn nhân. “Những sự hỗ trợ ấy có thể chưa đủ để xoa dịu nỗi đau của các NNCĐDC, nhưng chắc chắn rằng tấm lòng của nhiều cán bộ Hội và các tổ chức, cá nhân luôn đồng hành chung tay “vì nạn nhân da cam” sẽ là ngọn lửa sưởi ấm và tiếp thêm sức mạnh, để những mảnh đời kém may mắn tìm thấy niềm tin, vững vàng hơn trong cuộc sống”, ông Phái bộc bạch.
Với những đóng góp của mình, ông Ngô Hồng Phái đã được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen các cấp. Vinh dự hơn, năm 2017, ông là đại biểu duy nhất của tỉnh được tham dự Hội nghị Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam do Trung ương Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8).
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc