Multimedia Đọc Báo in

Kết nối những tấm lòng nhân ái

07:42, 19/09/2017

Đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam đã kết nối hàng triệu tấm lòng cùng chung tay giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Thiết thực chăm lo cho người nghèo

Không có ruộng rẫy, không có việc làm ổn định, chị H’Pê Niê ở buôn H’đớk, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ ở nhà chăm 4 con nhỏ và nội trợ, mọi chi tiêu đều trông chờ vào tiền làm thuê của chồng nên cuộc sống rất khó khăn. Qua bình xét, cuối năm 2016, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà theo Chương trình 167 giai đoạn 2. Không chỉ được ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ 5,5 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc xã 4 triệu đồng, gia đình chị còn được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng căn nhà rộng 43 m2. “Được hỗ trợ làm nhà gia đình mình vừa mừng, vừa lo. Vợ chồng mình bảo ban nhau cố gắng làm ăn để có tiền trả nợ cho ngân hàng” - chị H’Pê bộc bạch.

Đưa chúng tôi đi thăm căn nhà Đại đoàn kết vừa xây xong còn thơm mùi sơn mới, anh Đỗ Công Bình ở thôn 3, xã Ea Kao chia sẻ: “Nếu không được Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc xã hỗ trợ 35 triệu đồng, anh em dòng họ giúp đỡ thêm thì chưa biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới dám phá bỏ căn nhà gỗ cũ để xây dựng căn nhà mới khang trang, rộng 60 m2”. Gia đình anh Bình là hộ nghèo của thôn, không có rẫy nương nên phải thuê đất để canh tác và làm thuê kiếm sống qua ngày.

Cán bộ MTTQ xã Ea Kao chung vui với gia đình anh Đỗ Công Bình trong căn nhà Đại đoàn kết.
Cán bộ MTTQ xã Ea Kao chung vui với gia đình anh Đỗ Công Bình trong căn nhà Đại đoàn kết.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ea Kao cho biết, để có nguồn lực hỗ trợ các hộ làm nhà, hằng năm, Mặt trận xã đã tham mưu đưa chỉ tiêu vận động quỹ vào Nghị quyết của Đảng ủy xã; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đến từng thôn, buôn, cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm xã đều vận động được hơn 60 triệu đồng, vượt 150% chỉ tiêu giao. Từ năm 2010 đến nay, từ nguồn Quỹ vì người nghèo xã và kinh phí được phân bổ, xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 27 nhà Đại đoàn kết, trên 100 nhà 167 cho các hộ khó khăn về nhà ở, góp phần vào việc xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn.

Cần hơn nữa những tấm lòng sẻ chia

Để Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” thực sự lan tỏa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận địa bàn dân cư, đồng thời ra lời kêu gọi, tổ chức đoàn đi vận động trực tiếp. Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh còn phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Đắk Lắk tổ chức bán vé số, góp Quỹ Vì người nghèo; phối hợp với các đơn vị tổ chức các đêm truyền hình trực tiếp phát động toàn dân tham gia đóng góp, ủng hộ quỹ. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn thành lập các đoàn kiểm tra về công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng quỹ...

Tính từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được hơn 190,6 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ xây dựng 5.725 căn nhà Đại đoàn kết, trên 17.000 nhà 167, sửa chữa 1.138 căn nhà, tặng trên 30.400 suất quà. Đồng thời, từ nguồn quỹ này, MTTQ các cấp còn hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh phí khám chữa bệnh, học tập và các trường hợp khó khăn đột xuất… Điều đáng nói, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đều có các hình thức trợ giúp người nghèo về nhà ở, phát triển kinh tế…

Ông Y Déc H’đớk, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân, phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, MTTQ sẽ tiếp tục là “cầu nối” để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm đến gần hơn và trực tiếp với người dân, góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.