Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho người dân xã vùng sâu Cư San

08:26, 25/09/2017

Được chia tách từ xã Ea Trang vào năm 2007, Cư San là một trong những xã vùng sâu và khó khăn nhất của huyện M’Đrắk cũng như của cả tỉnh.

Toàn xã hiện có 1.543 hộ, 8.016 khẩu với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào (chiếm khoảng 99,8%). Cư San có địa bàn rộng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 74% dân số toàn xã; trình độ dân trí không đồng đều... Chính những điều này đã gây không ít khó khăn đối với việc bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, đặc biệt là người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có phần hạn chế.

Trước thực tế đó, Trạm Y tế xã Cư San đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên hệ thống loa truyền thanh xã; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tư vấn lồng ghép trong các buổi họp thôn; cử cán bộ đến từng thôn để tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng các loại thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi, không sử dụng thức ăn đã bị mốc, các loại rau rừng, nấm độc; vận động nhân dân dùng muối I-ốt, cho trẻ đi tiêm chủng, uống vitamin A, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn...

Bác sĩ của Trạm Y tế xã Cư San khám chữa bệnh cho người dân.
Bác sĩ của Trạm Y tế xã Cư San khám chữa bệnh cho người dân.

Bác sĩ Y Cương Niê, Trưởng trạm Trạm Y tế xã Cư San cho biết, Trạm hiện có 7 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 dược sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 kỹ thuật viên; 12 thôn đều có y tá thôn. Để bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, những năm qua, đội ngũ y, bác sĩ của Trạm luôn chủ động bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đặc biệt chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người bệnh. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ của Trạm đã bám sát địa bàn, kiên trì vận động người dân đến điều trị bệnh tại cơ sở y tế. Nhờ đó, những năm gần đây, người dân đã dần loại bỏ hủ tục cúng bái trừ tà và chủ động đến trạm để khám bệnh, xin thuốc mỗi khi đau ốm; biết tự phòng các bệnh truyền nhiễm cho bản thân và gia đình…

Chị Lý Thị Chớ (SN 1980, trú thôn 5) vui vẻ cho biết: Trước đây chị và nhiều người trong thôn thường gọi thầy mo về cúng mỗi lần mắc bệnh, nhưng không khỏi mà còn nặng thêm. Từ khi được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động và được tiếp cận thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe nên nhiều người dân trong xã mỗi khi ốm đau đều đến trạm y tế thăm khám để bệnh nhanh khỏi... Tại đây, các y, bác sĩ rất nhiệt tình khi khám, phát thuốc và tư vấn về cách tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh. Còn anh Trần Văn Bảo (SN 1976, trú thôn 6) thì phấn khởi nói: “Ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn này, mỗi lần đến Trạm Y tế xã, được các y, bác sĩ nhiệt tình thăm hỏi, tư vấn có trách nhiệm, thủ tục giấy tờ nhanh gọn nên chúng tôi rất yên tâm”.

Niềm vui của anh Bảo, chị Chớ cũng là niềm vui chung của người dân Cư San, bởi từ khi thành lập đến nay (năm 2008), Trạm Y tế Cư San đã triển khai hiệu quả công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho hàng nghìn lượt người. Theo thống kê, trong năm 2016, Trạm đã khám cho 5.811 lượt người, trong đó khám tại Trạm là 3.525 lượt người, còn lại là tổ chức khám lưu động tại các thôn; tổ chức được hơn 600 lượt truyền thông sức khỏe với hơn 27.000 lượt người nghe; có 1.166 trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống vitamin A (đạt 96%)….. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, các y bác sĩ của Trạm đã khám chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người, trong đó khám Bảo hiểm y tế là hơn 1.300 lượt, trẻ em dưới 6 tuổi gần 500 lượt; cấp 60 chiếc màn võng cho những người thường xuyên ở rừng, rẫy; không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, sốt rét…

Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng với tinh thần hết lòng vì người bệnh, bằng lương tâm của người thầy thuốc và trách nhiệm với người dân, các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã Cư San vẫn đang từng ngày thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở xã vùng sâu còn nhiều gian khó.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.