Multimedia Đọc Báo in

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng: Liều "vắc xin" hiệu quả

15:22, 16/09/2017

Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên ”ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, đến đầu năm 2013 xã Hòa Xuân có 8 người bị lây nhiễm HIV/AIDS, trong đó 7 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân lây nhiễm chủ yếu là do lây qua quan hệ tình dục, lây truyền từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Trước tình hình đó, cuối năm 2013, xã Hòa Xuân được Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc), Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Sở Y tế chọn xây dựng mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên” nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lây nhiễm HIV, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Xác định tuyên truyền là hoạt động trọng tâm, mô hình đã cung cấp tạp chí AIDS và cộng đồng cho người uy tín, già làng của 3 buôn trong xã (buôn Buôr, buôn Cư Dluê và buôn D’Rai H’Linh); cung cấp tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho các ngành, đoàn thể và các thôn, buôn; tổ chức cho 3 buôn ký cam kết “Không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”; thường xuyên phổ biến trên loa phát thanh của xã các bài viết, văn bản về về phòng, chống HIV, tệ nạn ma túy, mại dâm...

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Xuân tuyên truyền cho chị em ở buôn Cư Dluê về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Xuân tuyên truyền cho chị em ở buôn Cư Dluê về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.

Ông Trần Quang Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cho biết: “Để tuyên truyền đạt hiệu quả, trước hết chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ nòng cốt, các già làng, trưởng buôn và những người có uy tín trong cộng đồng nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản nhất về HIV/AIDS, trên cơ sở đó tuyên truyền cho người dân. Sau đó phát phiếu thăm dò để xác định sự cải thiện trong nhận thức của người dân về lĩnh vực này, từ đó đề ra hướng tuyên truyền đạt hiệu quả hơn”.

Với hình thức truyền thông đa dạng, nội dung phong phú và những tuyên truyền viên người tại chỗ am hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại xã Hòa Xuân đã đạt được những kết quả tích cực: 100% ban, ngành, đoàn thể của xã tham gia mô hình; 90% số cán bộ, lực lượng nòng cốt được tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS; 100% trưởng buôn, già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tổ chức và vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS … Ông Y Blớt Byă, Trưởng buôn Cư Dluê chia sẻ: Thông qua mô hình này, bà con trong buôn đã hiểu cơ bản các kiến thức về HIV/AIDS, các đường lây truyền và biện pháp, phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; cách xử lý một số tình huống phát sinh trong thực tế để không bị lây nhiễm HIV; biết về các cơ sở khám và điều trị HIV của địa phương, nhất là không còn kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS.

Có thể thấy, từ khi mô hình được triển khai đến nay, đa số bà con dân tộc thiểu số ở xã Hòa Xuân đã nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của HIV/AIDS và có ý thức tự phòng, chống dịch bệnh này. Mấy năm gần đây, trên địa bàn xã không phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS mới. Kết quả này càng khẳng định rõ hiệu quả mô hình đem lại, qua đó góp phần giúp người dân xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.