Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng cao, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát.
Mặc dù tình trạng mất cân bằng giới tính ở tỉnh ta diễn ra muộn nhưng có tốc độ gia tăng nhanh. Từ năm 2013 đến nay, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh luôn nằm ở mức trung bình 110 bé trai/100 bé gái, vượt cao so với mức thông thường (khoảng 103-106 bé trai/100 bé gái). Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Búk, Cư M’gar, Buôn Đôn. Đơn cử như tại huyện Cư M’gar, tình trạng chênh lệch là rất cao với 121 bé trai/100 bé gái, đặc biệt, tại một số xã, sự chênh lệch đã lên mức báo động: Ea H’đing (262 bé trai/100 bé gái); Ea Kiết (190 bé trai/100 bé gái), Ea Đrơng (177 bé trai/100 bé gái), Quảng Hiệp (165 bé trai/100 bé gái), Cư Suê (163 bé trai/100 bé gái)…
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) tuyên truyền cho phụ nữ trên địa bàn về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. |
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, có nhiều nguyên nhân: do nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mong muốn phải có con trai để nối dõi tông đường, dòng họ; khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển tạo điều kiện thuận lợi để nhiều cặp vợ chồng có thể nhận biết và chọn lựa giới tính thai nhi ngay từ những tháng đầu của thai kỳ; việc cho phép phá thai theo nguyện vọng (Khoản 1, Điều 44, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân) là cơ sở pháp lý để các cặp vợ chồng tránh sinh con ngoài ý muốn, lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách loại bỏ thai nhi là nữ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là việc phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa được thực hiện triệt để ...
Ông Mai Văn Phán, Phó Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng cao, Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm phải có con trai nối dõi, trọng nam khinh nữ, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đồng thời, phân nhóm đối tượng, trực tiếp đến thăm hộ gia đình để tư vấn, vận động, thuyết phục các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức… Cùng với đó, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng, đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh xuống dưới mức 106 bé trai/100 bé gái. Đến nay toàn tỉnh đã có 13/15 huyện, thị xã, thành phố triển khai Đề án với các hoạt động bước đầu là cung cấp thông tin cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín hiểu biết về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ chuyên trách dân số của xã, phường và cộng tác viên dân số…
Có thể nói, việc lựa chọn giới tính thai nhi gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh và sự phát triển bền vững của giống nòi. Do đó, ngoài những giải pháp của ngành chức năng, thiết nghĩ cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục và quyết liệt của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, nghiêm cấm các cơ sở này tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi dưới bất kỳ hình thức nào.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc