Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở nghề dệt thổ cẩm ở Yang Tao

15:08, 07/10/2017

Ở các buôn đồng bào M’nông thuộc xã Yang Tao (huyện Lắk), nhiều người phụ nữ ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi dệt ra những sản phẩm thổ cẩm truyền thống đủ sắc màu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Dù đã lớn tuổi nhưng hằng ngày bà Yo Đen (65 tuổi, ở buôn Bhôk) vẫn say sưa ngồi bên chiếc khung cửi để dệt nên những tấm vải thổ cẩm mà mình yêu thích.  Chỉ với một khung dệt đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của bà, những cuộn len, sợi chỉ đã trở thành những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Bà kể, từ nhỏ mỗi lần thấy bà ngoại và mẹ bày khung cửi là bà đều chạy đến ngồi bên cạnh để học. Bắt đầu từ việc gỡ chỉ trong các cuộn thành từng sợi, cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi dần học dệt các sản phẩm đơn giản như túi, áo gối, khăn trải bàn… Năm 20 tuổi, bà đã tự tay dệt được bộ quần áo cho riêng mình, từ đó bà càng thêm yêu thích nghề dệt thổ cẩm, khi có thời gian rảnh rỗi là ngồi bên khung cửi. Toàn bộ quần áo của các thành viên trong gia đình đều do một tay bà dệt.

Hơn 40 năm gắn bó với khung cửi nên dệt thổ cẩm dường như đã trở thành một thói quen của bà Yo Liễu (buôn Biăp), ngày nào không đụng đến khung cửi là bà cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm áo choàng, khố, túi xách được bà dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Không chỉ dệt, thêu những nét hoa văn truyền thống của người M’nông, bà còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại, mà không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc. Sản phẩm làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, bà còn bán cho những ai có nhu cầu nên cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Hằng năm, bà cùng với các nghệ nhân cồng chiêng, nặn gốm tại địa phương được các công ty lữ hành ở trong và ngoài tỉnh mời đi biểu diễn để giới thiệu cho khách du lịch biết về những nét văn hóa đặc sắc của người M’nông.

Bà Yo Liễu đã hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
Bà Yo Liễu đã hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.

Bà Yo Liễu tâm sự: “Đối với người M’nông, nghề dệt được xem là thước đo để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Chính vì vây, khung cửi là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngay từ thuở 13-14 tuổi, các cô gái đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi đi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo bằng thổ cẩm để dùng vào các dịp lễ, ngày hội của buôn làng. Để làm ra một tấm vải thổ cẩm phải mất cả tháng đôi khi đến vài ba tháng nên đòi hỏi người dệt phải chịu khó, có lòng đam mê với nghề mới có thể làm được.”

Trước đây, hầu hết phụ nữ người M’nông ở xã Yang Tao đều biết dệt thổ cẩm. Ngày nay, đời sống của bà con trong buôn làng đã có nhiều đổi thay, những bộ quần áo may sẵn mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt dần thay thế những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Người trẻ không còn nhiệt tình với nghề dệt, trong khi người biết, giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến giờ không còn nhiều, khiến cho những nghệ nhân tâm huyết như bà Yo Đen, Yo Liễu luôn trăn trở, suy nghĩ.

Với mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông được các thế hệ tiếp nối và phát huy, chính quyền địa phương cùng các nghệ nhân thường xuyên mở nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho các chị em nhưng phần lớn đều bỏ học giữa chừng, người biết dệt lại không theo nghề vì không có thời gian, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ…

Để giữ gìn nghề truyền thống cũng như tạo ra sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm ở Yang Tao, thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để người dân yên tâm gắn bó với nghề, góp phần lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.