Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng thanh niên gây rối an ninh trật tự ở Ea Hồ

10:07, 26/11/2017

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) gây rối an ninh trật tự khiến người dân lo ngại.

Anh Trần Văn O., lái xe khách của nhà xe Thanh Hà Đắk Lắk chạy tuyến Buôn Ma Thuột - xã Ea Tân (huyện Krông Năng) và ngược lại cho hay, mỗi lần đi đến đoạn đường khoảng 2 km qua địa phận xã Ea Hồ đều cảm thấy nơm nớp lo sợ. Cứ khoảng 17 - 19 giờ hằng ngày, tại đoạn đường này thường có một số thanh niên người DTTS say xỉn ra chặn xe “xin đểu” hoặc ném đá vào ôtô, gây bất an cho người đi đường. “Xe ôtô tôi mới thay kính hôm trước thì hôm sau lại bị ném móp cửa. Nếu tài xế xuống xe hỏi chuyện thì chúng kéo ra cả chục người tay cầm gậy gộc đánh lại” - anh O. bức xúc.

Nhiều hộ dân sống hai bên đường khu vực này cũng phản ánh: Hễ cứ say xỉn là các thanh niên trong vùng này lại chạy xe máy nẹt pô, phóng nhanh vượt ẩu gây náo loạn. Đoạn đường này khá hẹp, có nhiều ổ gà, người tham gia giao thông thường đi chậm, nhưng mỗi khi nghe tiếng nẹt pô trên đường mọi người đều phải dừng xe nép sát bên lề.

Đoạn đường qua buôn Năng, xã Ea Hồ thường xuyên có các thanh niên người dân tộc thiểu số gây rối trật tự an toàn giao thông.
Đoạn đường qua buôn Năng, xã Ea Hồ thường xuyên có các thanh niên người dân tộc thiểu số gây rối trật tự an toàn giao thông.

Không chỉ gây rối trật tự an toàn giao thông, tại một số địa bàn thôn, buôn ở Ea Hồ, tình trạng trộm cắp vặt vẫn còn diễn biến phức tạp. Bà Võ Thị Bích Q. ở thôn Trung Hồ than thở: “Cách đây hơn 1 tháng, nhà tôi phát hiện mất trộm 2 con ngan. Hôm sau lên UBND xã trình báo công an thì ngay tối hôm đó có một số đối tượng thanh niên dừng xe máy ngoài cổng ném đá, chất bẩn vào nhà. Nhiều hộ trong xã mất trộm cũng không dám báo công an vì sợ bị trả thù, hoặc sẽ bị mất trộm những thứ khác có giá trị hơn”.

 
“Những năm qua Công an xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai nhiều kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; phối hợp với Công an huyện Krông Năng tăng cường công tác nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội… Tuy vậy, khi hết các đợt cao điểm thì tình hình an ninh trật tự trong xã đâu lại vào đó”.
 
Ông Võ Thanh Việt, Trưởng Công an xã Ea Hồ

Ông Võ Thanh Việt, Trưởng Công an xã Ea Hồ cho hay, toàn xã có 12 buôn và 7 thôn, trong đó người DTTS chiếm khoảng 70% dân số. Những năm gần đây, tình trạng thanh niên DTTS trên địa bàn xã gây rối trật tự xã hội diễn ra khá phức tạp... Qua theo dõi, nắm bắt địa bàn nhận thấy, một số thanh niên DTTS trú tại các buôn Trang, Năng, Sú, Tdun dọc hai bên đường liên huyện Krông Năng - Buôn Hồ (đoạn qua xã Ea Hồ) thường xuyên nhậu nhẹt vào buổi chiều, sau đó ra chặn xe, gây rối trật tự giao thông và chạy xe máy phóng nhanh vượt ẩu, đánh nhau. Còn với các thôn, buôn khác thì các thanh niên hay trộm cắp gà, ngan của dân để ăn nhậu, rồi gây gổ đánh nhau, bắn ná vào nhà dân, bóng đèn điện đường…

Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng công an xã phối hợp với Công an huyện Krông Năng đã phát hiện, bắt và xử lý hình sự 3 đối tượng trú tại buôn Giêr (xã Ea Hồ) là Y Thứ Niê (SN 1998), Y Jét Niê (SN 1997) và Y Lập Kbur (SN 1991) về tội đánh nhau gây thương tích. Mới đây, công an xã cũng xử phạt hành chính 3 đối tượng về hành vi gây rối trật tự, chặn xe, ném đá xe ôtô…

Trước thực trạng báo động về tình hình an ninh trật tự ở địa phương nói trên, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ cơ sở trong việc chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Krông Năng cần tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng gây rối trật tự an ninh, mang lại sự bình yên cho các buôn làng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.