Đưa điện, nước sạch về với thôn nghèo Ea Rớt
Thôn Ea Rớt là thôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Pui, huyện Krông Bông), có 169 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông di cư ngoài kế hoạch từ miền Bắc vào sinh sống hơn 20 năm nay.
Do cách xa trung tâm xã (trên 20 km) người dân phải chịu sống trong cảnh thiếu điện, nước sạch… Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, người dân phải sử dụng đèn dầu, bình ắc quy để thắp sáng. Những năm gần đây, một vài gia đình có điều kiện bỏ ra 2 – 10 triệu đồng mua bộ năng lượng mặt trời về sử dụng. Tuy nhiên, điện yếu chỉ 12 V, hầu hết chỉ có thể thắp sáng; các đồ gia dụng, tivi… mua về nhưng không được sử dụng do chất lượng điện không bảo đảm, trong khi bộ năng lượng chỉ dùng được 1 – 2 năm là bị hỏng nên rất tốn kém. Một khó khăn nữa, giếng nước ở thôn hầu hết bị vẩn đục, có vị chát lợ… không thể uống được mà chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ. Hằng ngày, người dân trong thôn thường phải đi đến các khe suối cách nhà chừng 2 – 3 cây số để lấy nước về uống, vào mùa mưa thì hứng nước mưa dự trữ trong các xô, chậu để sử dụng dần, không bảo đảm vệ sinh.
Nhiều hộ gia đình đã bỏ tiền mua các thiết bị gia dụng, tivi… phục vụ sinh hoạt hằng ngày. |
Vì vậy, khi được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thông báo sẽ xây dựng hệ thống cung cấp điện và nước sạch cho người dân tại thôn, ông Nguyễn Văn Tâm (Chủ tịch UBND xã Cư Pui) đã thuyết phục anh Lò Tiến Dũng (Trưởng thôn) hiến đất để lắp đặt hệ thống. Anh Dũng chia sẻ, chỉ mất 50 mét vuông đất nhưng đổi lại có điện, nước cho gia đình anh và tất cả bà con trong vùng sử dụng, thì có mất nhiều hơn nữa anh cũng sẽ hiến. Đồng thời, anh Dũng được bà con tín nhiệm giao cho việc vận hành, bảo vệ hệ thống điện và nước sạch để bà con trong thôn sử dụng.
Để bảo đảm tính bền vững của hệ thống, thời gian tới người dân sẽ trả 2.000 đồng cho 1 số điện sử dụng và khoảng 7.000 - 8.000 đồng cho 1 bình nước uống tinh khiết có dung tích 20 lít. Số tiền đóng góp này sẽ bù đắp cho việc vận hành, thay thế thiết bị, sửa chữa hệ thống và do người dân quản lý hoàn toàn. |
Có điện, lại được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh người dân ở đây rất vui mừng. Anh Lý Seo Pháo (Đội 3, thôn Ea Rớt) hồ hởi cho biết, năm 2009 anh theo ông bà vào thôn lập nghiệp, chừng ấy năm gia đình anh vẫn phải thắp đèn dầu. Giờ có điện, được tiếp cận khoa học kỹ thuật chắc chắn đời sống của anh và người dân sẽ khá hơn rất nhiều. Nhiều ngày nay, gia đình anh cùng một số gia đình khác trong thôn đã sắm sửa nhiều đồ điện gia dụng, như tivi, quạt, nồi cơm điện... để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Người dân trong thôn uống nước từ hệ thống lọc lọc nước sử dụng năng lượng mặt trời. |
Với kinh phí gần 500 triệu đồng, do Quỹ McKnight tài trợ, nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan và các giải pháp năng lượng bền vững trong kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam” do GreenID phối hợp với Sở Công thương Đắk Lắk thực hiện và người dân đóng góp ngày công lao động, hệ thống điện được lắp đặt và đi vào hoạt động từ tháng 7, còn hệ thống lọc nước được vận hành từ đầu tháng 11-2017. Hệ thống có công suất lắp đặt 6,24kWp, sử dụng các tấm thu năng lượng mặt trời (tấm pin) để tạo ra năng lượng điện. Mỗi ngày, hệ thống có thể sản xuất 20kWh điện, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 24 hộ gia đình và vận hành hệ thống lọc nước tinh khiết RO, uống trực tiếp không qua đun nấu, cung cấp từ 700 - 1.000 lít nước sạch mỗi ngày cho người dân trong thôn.
Ông Trần Đình Sính (Phó Giám đốc Trung tâm GreenID) cho biết, hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời là mô hình tiên tiến có thể áp dụng tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh. Hy vọng trong thời gian tới, toàn bộ người dân thôn Ea Rớt sẽ có điện để sử dụng, góp phần cải thiện đời sống cho bà con.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc