Multimedia Đọc Báo in

Người giữ nghề rèn truyền thống ở buôn HNgô

16:25, 26/01/2018

Biết đến nghề rèn từ nhỏ, cụ ông Y Ngoan Niê (1938, buôn HNgô B, xã Hòa Phong, Krông Bông) nắm vững các kỹ thuật chế tác thủ công truyền thống của nghề và cố gắng gìn giữ cho đến ngày nay.

Chia sẻ cơ duyên đến với nghề rèn, cụ cho hay, ngày nhỏ chứng kiến đàn ông trong buôn tự tay mài, dũa miếng thép, thanh sắt thô sơ thành những thứ họ cần nên tò mò, thích thú. Năm lên 10 tuổi, cụ Y Ngoan bắt đầu học nghề rèn. “Thời đó, hầu như người đàn ông Êđê nào cũng biết làm. Nhưng để làm ra sản phẩm đẹp, tinh xảo chỉ có bậc tiền bối mới làm được. Họ chỉ làm những lúc rảnh rỗi nên cụ phải để ý ai làm là tới xin học ngay”, cụ Y Ngoan nói.

Cụ Y Ngoan đang rèn dao.
Cụ Y Ngoan đang rèn dao.

Đồ dùng phục vụ cho nghề rèn truyền thống của người Êđê khá đơn giản gồm: than củi, ống bễ thụt, kìm, kẹp, đe, búa, máng nước tôi sản phẩm… Tất cả các công đoạn chế tác từ khâu nung, đập, tạo hình, mài cho đến khi có được sản phẩm ưng ý về màu sắc, độ sắc, bền đều làm thủ công qua tay người thợ rèn. Cụ Y Ngoan tiết lộ bí quyết để có sản phẩm sắc bén, không bị sứt mẻ nằm ở khâu nung. Người thợ phải nung thanh sắt đạt đến độ đỏ chín thì dùng búa đập cho đến khi sắt nguội rồi lại cho vào lò nung. Cứ như vậy cho đến khi tạo được hình dáng của sản phẩm thì mới mang đi mài. Thời gian để làm được một con dao, chiếc búa, xà gạc, rìu… mất từ 3- 4 ngày, do đó người thợ rèn phải có lòng kiên trì, nhẫn nại và lòng yêu nghề.

Trước đây, nghề thợ rèn rất phổ biến trong các buôn làng Êđê nhưng nay vắng bóng hẳn. Do quy trình chế tác kỳ công, tốn thời gian; sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, bán không có lời… đã khiến nghề bị mai một, lãng quên dần. Trong buôn HNgô B chỉ còn mình cụ “đỏ lửa”. Cụ tâm sự, nghề rèn là nghề truyền thống chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của người Êđê nên bằng mọi cách cụ sẽ giữ nghề và truyền nghề. Để sống được với nghề, cụ Y Ngoan đầu tư công sức trui mài sản phẩm cho thật tinh xảo, sắc bén để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm được chế tác hiện đại. Cụ tìm đến các tiệm ve chai mua lại từng miếng sắt thép vụn để giảm bớt chi phí chế tác. Ngoài ra cụ còn nhận sửa, mài dũa lại dụng cụ lao động bị sứt mẻ, rỉ sét để kiếm thêm thu nhập.

Ông Y Băp Niê – một trong những khách “ruột” của cụ Y Ngoan cho biết, sản phẩm cụ làm bằng tay nhưng đẹp hơn cả hàng có khung mẫu đúc sẵn. Nhà ông toàn mua đồ cụ rèn về dùng vì chúng rất dày và sắc bén, chặt nhát nào ra nhát đấy. Dùng hơn năm là ông tháo cán ra nhờ cụ mài lại là đẹp sáng ngay, chứ hàng mua ở chợ mỏng dính, bị mẻ sứt là bỏ, phí lắm. 

Huỳnh Thủy – Djuang Niê

 

Ý kiến bạn đọc