Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hiệu quả còn thấp
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tuy nhiên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra...
Chưa đạt chỉ tiêu đề ra
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956), trong 7 năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh đã tổ chức được 705 lớp đào tạo nghề cho 23.669 lao động, với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên đạt 76,94%. Một điều đáng ghi nhận là những lao động sau khi học nghề đã vận dụng các kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất, một số lao động đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Êđê tại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). |
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 cũng chỉ rõ những hạn chế: Số lượng lao động nông thôn được đào tạo mới chỉ đạt 41,82% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu giai đoạn 2010-2017 đào tạo 56.585 lượt lao động nông thôn). Một số địa phương khi xây dựng Đề án chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề, cũng như các yếu tố đặc thù về lao động nông thôn, dân tộc thiểu số; chưa quan tâm, hỗ trợ các học viên người dân tộc thiểu số điều kiện để sử dụng, phát huy nghề được học vào thực tiễn (như vốn, đất sản xuất). Bên cạnh đó, trang thiết bị đầu tư tại một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp chưa đồng bộ, thậm chí có nhiều loại thiết bị sau khi được trang bị chỉ sử dụng một vài lần đã lạc hậu. Một số cơ sở đào tạo nghề chưa thật sự chú trọng đến chất lượng đào tạo và cơ hội tìm kiếm việc làm, chưa gắn kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...
Đào tạo nghề phải sát với thực tế địa phương
Tại Hội nghị sơ kết 7 năm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa được tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu lên các nguyên nhân của hạn chế, tồn tại. Đa số ý kiến cho rằng, chỉ tiêu đào tạo nghề chưa đạt là do kinh phí thực hiện đào tạo nghề phân bổ hằng năm ít so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Việc phân bổ nguồn vốn muộn dẫn đến các cơ sở mở lớp không phù hợp với mùa vụ sản xuất. Nguồn vốn để hỗ trợ chi phí cho lao động nông thôn học nghề chủ yếu do ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh còn hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu chủ động, sáng tạo trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có tâm lý trông chờ vào chính quyền địa phương các cấp; một số cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với thực tế sản xuất, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương nên không thu hút được người học. Một nguyên nhân quan trọng khác là bản thân người lao động, đặc biệt là người lao động dân tộc thiểu số tại chỗ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của việc học nghề, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề còn hạn chế; nhiều người lao động tham gia học nghề điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có nguồn vốn để tự tổ chức sản xuất...
Hướng dẫn sinh viên lớp cao đẳng Công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk) thực hành trên máy. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 H’Yim Kđoh
|
Để đào tạo nghề thực sự góp phần “đổi đời” cho lao động nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Y Hương Niê cho rằng, phải gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với đào tạo nghề lao động nông thôn; trong đó đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, phù hợp nhu cầu của người lao động và phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương. Đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập được tham gia đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tại địa phương.
Xác định chỉ tiêu từ năm 2018-2020, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 26.600 lao động nông thôn; ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn... là nhiệm vụ khó khăn, cần sự nỗ lực thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 H’Yim Kđoh nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ lớn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với sự phát triển của các ngành nghề và phải sát với thực tế địa phương, tránh lãng phí nguồn lao động...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc