Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội - Địa chỉ tin cậy của đối tượng chính sách

05:58, 18/02/2018

Năm 2017 là năm thứ 15 hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh và cũng là năm ghi dấu ấn nổi bật nhiều hoạt động của ngân hàng có tính chất đặc thù này.

Đến hết năm 2017, Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk (NHCSXH) đã có gần 4 nghìn tỷ đồng thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn vốn huy động tiết kiệm trên 264,7 tỷ đồng; huy động thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn trên 162,6 tỷ đồng; huy động tổ chức, cá nhân (tại trung tâm và điểm giao dịch xã) 102,1 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên 168,3 tỷ đồng và nguồn vốn cân đối từ Trung ương trên 3.529 tỷ đồng. Với vai trò đồng hành cùng người nghèo khởi nghiệp, ngay trong những tháng đầu năm 2017, NHCSXH đã nỗ lực tăng cường dư nợ cho vay, tạo điều kiện cho người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn, phục vụ sản xuất, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, NHCSXH đã cho 50.127 lượt hộ được vay vốn, với tổng doanh số cho vay gần 1.160 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh lên trên 3.953 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn như cho vay hộ nghèo 377 tỷ đồng; cận nghèo 221 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 204 tỷ đồng;  nước sạch và vệ sinh môi trường 139 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 92 tỷ đồng… Điều quan trọng là chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Đến nay, nợ quá hạn chỉ còn  hơn 8,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,22% tổng dư nợ; nợ khoanh hơn 3,7 tỷ đồng, giảm 682 triệu so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,09%; tỷ lệ thu lãi toàn tỉnh đạt 105,6%. 

Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu trao bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tặng tập thể NHCSXH tỉnh nhân kỷ niệm 15 năm hoạt động.  Ảnh: N.Đặng
Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu trao bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tặng tập thể NHCSXH tỉnh nhân kỷ niệm 15 năm hoạt động. Ảnh: N.Đặng

Theo Giám đốc NHCSXH Nguyễn Tử Ân, bên cạnh những kết quả tín dụng, thời gian qua đơn vị đã cùng toàn ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ ngày một tốt hơn đối tượng chính sách. Chẳng hạn như, mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại UBND xã/phường”. Đây là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Mô hình này đã phát huy tính ưu việt khi khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch xã được giao dịch một cửa thuận lợi và hiện đại như tại trụ sở ngân hàng. Ngoài Văn phòng Chi nhánh tỉnh và 14 Phòng giao dịch cấp huyện, toàn tỉnh còn có 183 điểm giao dịch cố định tại xã. Ngân hàng đã phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả, tạo điều kiện để một hộ dân có thể vay vốn của nhiều chương trình khác nhau như: chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay vốn giảm nghèo, xây dựng nhà ở; vay vốn học sinh, sinh viên… Điều quan trọng hơn, từ nguồn vốn và phương thức cho vay của ngân hàng này không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ mà thông qua việc tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm vay vốn, người dân được tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống…

Có thể nói, với những nỗ lực của mình, NHCSXH đã trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Tử Ân chia sẻ, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và góp phần hơn nữa vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục theo quy định; duy trì và nâng cao chất lượng giao dịch xã cố định hằng tháng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt việc công khai hóa, xã hội hóa hoạt động và kết quả kiểm tra, giám sát của NHCSXH. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn nữa hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.