Multimedia Đọc Báo in

Những hy sinh thầm lặng

16:25, 13/02/2018

Chăm sóc, nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí là công việc mà không phải ai cũng có thể làm được, bởi ngoài sự kiên trì, chịu khó cần phải thực sự có tâm.

Hết lòng vì người bệnh

Trung tâm Chăm sóc người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí tỉnh (thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập từ tháng 5-2015, sau khi tách ra từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 178 đối tượng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần mãn tính và một số đối tượng tâm thần đi lang thang, được các địa phương phát hiện đưa vào điều trị. Ngoài bệnh tâm thần, họ còn mắc các bệnh khác như lao phổi, da liễu, tim mạch, đường ruột... nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị là cả quá trình hy sinh thầm lặng.

Nhìn ông Châu Ngọc Thọ (47 tuổi, quê Quảng Nam) vừa huýt sáo vừa chăm chỉ xây từng viên gạch ở khu chăn nuôi, không ai nghĩ cách đây 4 năm  ông là đối tượng tâm thần phân liệt nặng, thường xuyên lên cơn kích động, quậy phá, bị Công an huyện Ea Súp cưỡng chế đưa vào Trung tâm. Theo lời kể của các nhân viên Trung tâm, lúc mới vào đây ông không còn giống một con người, râu tóc bờm xờm, thường xuyên đập phá, gào thét, tay chân bị xích lại, phải ở riêng trong khu cách ly. “Nhờ sự kiên trì, chăm sóc tận tụy và tình yêu thương của cán bộ, nhân viên Trung tâm, tôi đã phục hồi và có thể lao động sản xuất như người bình thường” - ông Thọ cảm kích nói.

Cán bộ Trung tâm hướng dẫn người bệnh vận động trị liệu.
Cán bộ Trung tâm hướng dẫn người bệnh vận động trị liệu.

Bà Nguyễn Thị Việt (40 tuổi, quê Thái Bình) trước đây có biệt danh là “bà Tân An” vì được Đội trật tự đô thị phường Tân An đưa vào Trung tâm do mất trí nhớ, lang thang, suy kiệt sức khỏe. Thời gian đầu, bà chỉ nằm co ro trong góc nhà, người lở loét, không chịu mặc quần áo, sợ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hằng ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm kiên trì đưa bà đi tắm rửa, phơi nắng, đút từng thìa cơm, viên thuốc, trò chuyện, tư vấn tâm lý… Sau gần 2 năm, bà Việt đã phục hồi, vui vẻ, cởi mở trò chuyện với mọi người.

Chăm sóc và sẻ chia

Có mặt tại Trung tâm, chứng kiến từng nhóm đối tượng xếp hàng ngay ngắn để tập thể dục, chơi thể thao, tập vật lý trị liệu hoặc sinh hoạt văn nghệ... ít ai nghĩ rằng họ đã và đang là bệnh nhân tâm thần. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, để thực hiện mục tiêu giúp đối tượng điều trị, phục hồi, hòa nhập cộng đồng, sau giai đoạn điều trị, ổn định tâm lý, Trung tâm phân công cán bộ, nhân viên phụ trách từng công việc, nhóm đối tượng cụ thể.

Đều đặn mỗi ngày, bệnh nhân dậy từ 5 giờ 30 phút sáng, sau khi được hướng dẫn vệ sinh cá nhân, nội vụ, ăn sáng, xếp hàng đi bộ, khởi động… tùy vào tình trạng bệnh để phân nhóm sinh hoạt, tập thể dục, thể thao, ca hát… Trung tâm còn tận dụng khu vực đất trống bỏ hoang trước kia để cải tạo thành khu sản xuất, hướng dẫn cho bệnh nhân xây dựng khu chăn nuôi, trồng rau và trực tiếp chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Được sự giúp đỡ, điều trị của trung tâm, anh Châu Ngọc Thọ đã phục hồi, có thể lao động sản xuất như trước kia.
Được sự giúp đỡ, điều trị của trung tâm, anh Châu Ngọc Thọ đã phục hồi, có thể lao động sản xuất như trước kia.

 

 

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự trợ giúp về vật chất và tinh thần của các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân hảo tâm để có thêm điều kiện chăm lo tốt hơn cho các bệnh nhân”.

 

 
Ông Phạm Hữu Dụng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí tỉnh

Anh Phạm Hồng Thanh, phụ trách bộ phận quản lý đối tượng cho biết, những người vào đây đều không còn khả năng tự phục vụ bản thân nên việc quản lý, chăm sóc, điều trị và hướng dẫn đưa họ vào nền nếp là cả một quá trình gian nan thử thách, đòi hỏi phải kiên trì và thực sự có tâm. Những người tâm thần nặng thường lên cơn kích động, có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, xã hội và cả người chăm sóc. Đã có không ít cán bộ, nhân viên Trung tâm bị đối tượng đuổi đánh, cào cấu, xé quần áo... Ngay cả những công việc thường nhật như vệ sinh cơ thể, ăn cơm, uống thuốc hay lao động trị liệu phục hồi chức năng cho họ đều phải có cán bộ đi kèm để hỗ trợ...

Không chỉ hết lòng chăm sóc, điều trị người bệnh, mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm còn là người bạn của họ, thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, gợi mở để họ nhớ lại gốc gác, quê quán, xác minh thông tin, giúp đối tượng tìm lại gia đình. Nhờ vậy, từ những biệt danh do cán bộ Trung tâm đặt khi mới tiếp nhận như: Không Tên 1, Không Tên 2, ông Tùm Lum, bà Tân An, ông Tân Hòa… nhiều người đã tìm được lai lịch, gia đình như ông Lạc Long Pháp, Lạc Long Thành, bà Nguyễn Thị Việt… Một số người sau khi khỏi bệnh đã được gia đình đón về chăm sóc, hòa nhập cộng đồng.

Bằng tấm lòng nhân ái, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên Trung tâm đã giúp bệnh nhân tâm thần có một mái ấm thực sự và là nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc