Tháo gỡ khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động ở huyện Buôn Đôn
Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn quan tâm với nhiều chính sách, hoạt động tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Buôn Đôn, năm 2017, toàn huyện có 45.513 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 36%. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, UBND huyện Buôn Đôn chỉ đạo ngành chức năng thực hiện công tác điều tra, rà soát phần “cung - cầu” lao động, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, tổ chức 4 lớp dạy nghề chăn nuôi gà và may công nghiệp thu hút hàng trăm người lao động tham gia.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động tại địa phương có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tiếp cận với các thông tin về việc làm, hằng năm UBND huyện Buôn Đôn chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động thường xuyên tổ chức các cuộc tuyên truyền ở UBND xã, các buổi tư vấn ở thôn, buôn. Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Chẳng hạn mô hình trồng cam quýt hiệu quả kinh tế cao ở các xã Ea Nuôl, Tân Hòa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trồng cam quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Hòa An, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). |
Bên cạnh giải quyết việc làm tại chỗ, huyện đặc biệt chú trọng công tác đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho người đi XKLĐ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời cho người dân vay vốn đi XKLĐ. Hiện toàn huyện có 78 lao động đi xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như Nhật Bản, Nga, Ả Rập Xê út...
Với những nỗ lực trên, trong năm 2017, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.079 lao động, đạt 98,09% kế hoạch năm. Trong đó, ngành nông – lâm - ngư nghiệp là 579 người, công nghiệp và xây dựng là 283 người, thương mại và dịch vụ là 217 người.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH huyện, công tác giải quyết việc làm của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do số doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn ít, quy mô nhỏ lẻ nên chưa khuyến khích người lao động làm việc ổn định; các dự án vay vốn dù thu hút được nhiều người lao động nhưng do phần lớn đều đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chăn nuôi nên tính bền vững chưa cao; người lao động được đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí sắp xếp việc làm mà chưa chủ động tìm việc; trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm dạy nghề huyện chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề. Mặt khác, nhận thức của người dân về học nghề chưa cao, chưa mặn mà với việc học nghề; người lao động có tâm lý sợ rủi ro, ngại làm việc xa nhà nên chưa sẵn sàng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Người lao động huyện Buôn Đôn tìm hiểu nhu cầu việc làm trong Ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm của huyện. |
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, huyện Buôn Đôn sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo vốn, việc làm cho người lao động; đẩy mạnh XKLĐ và tạo mọi điều kiện pháp lý giúp người lao động tự kiếm việc làm. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, có những giải pháp, đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương...
Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm là 1.467 triệu đồng, giải quyết cho 49 lượt hộ vay, tạo việc làm cho 65 lao động. Tổng dư nợ cuối năm 2017 là 4.330 triệu đồng, riêng vốn cho vay XKLĐ là 173 triệu đồng. |
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc