Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Ea Ral

09:06, 02/05/2018

Bằng sự nỗ lực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt của địa phương, đến nay tình trạng tảo hôn ở xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) đang từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Ea Ral là xã có tỷ lệ tảo hôn khá cao, diễn ra phổ biến ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Ban dân số xã, từ năm 2011-2014, toàn xã có 15 cặp vợ chồng tảo hôn. Chị H’Nun Rhăm - Cán bộ dân số xã Ea Ral cho biết, tình trạng tảo hôn phần lớn không phải do hủ tục lạc hậu mà chủ yếu tập trung ở đối tượng vị thành niên lười học, yêu đương sớm, nên nếu chỉ tuyên truyền, nhắc nhở thì nạn tảo hôn khó chấm dứt. Vì vậy, xã đã đưa ra giải pháp can thiệp trực tiếp nhằm ngăn ngừa từng trường hợp cụ thể, vừa giáo dục, vừa răn đe để làm gương cho những trường hợp khác. Cụ thể, đầu năm 2017, xã đã thành lập một Ban công tác gồm cán bộ dân số và 25 cộng tác viên (CTV) là những người có uy tín ở 15 thôn, buôn; đội ngũ này có trách nhiệm bám sát địa bàn, nếu phát hiện gia đình nào có con em trong độ tuổi vị thanh niên yêu đương sớm thì đến tận nhà tư vấn và mời lên xã cam kết không kết hôn sớm hơn so với tuổi quy định. Đều đặn mỗi cuối tuần, Ban công tác tập trung tại hội trường thôn, buôn để trao đổi tình hình và triển khai kế hoạch mới; mỗi tháng sẽ tổ chức một buổi họp và mời thanh niên trên địa bàn đến nghe tuyên truyền.

Cán bộ dân số xã Ea Ral đến nhà tư vấn và thuyết phục hoãn hôn đối với một trường hợp  chưa đủ tuổi theo quy định.
Cán bộ dân số xã Ea Ral đến nhà tư vấn và thuyết phục hoãn hôn đối với một trường hợp chưa đủ tuổi theo quy định.

Từ khi Ban dân số xã quyết tâm triển khai giải pháp can thiệp trực tiếp, tình trạng tảo hôn trên địa bàn không còn gia tăng, không những thế còn ngăn chặn kịp thời một số trường hợp chuẩn bị tảo hôn. Em H’Hà Niê, ở buôn Tùng Kuh (SN 2003) và em Y Liz Adrơng, ở buôn A Riêng B (SN 2000) quen nhau qua mạng xã hội và yêu nhau từ năm 2017. Đến nay đã được gia đình hai bên chấp nhận nên Y Liz thường ở lại nhà H’Hà theo tục ở rể và chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Nhận được tin báo từ CTV, Ban công tác đã cử cán bộ dân số xuống nhà gặp 2 em để tiếp cận, tư vấn, thuyết phục. Sau khi hiểu rõ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi không những vi phạm Luật Hôn nhân - Gia đình mà còn dẫn đến những hệ lụy về sau thì gia đình em H’Hà Niê đã đồng ý cam kết 3 năm sau mới tổ chức lễ cưới cho 2 con. Đối với những cặp vợ chồng đã tảo hôn từ trước, Ban dân số xã cũng có những cách tư vấn riêng, đặc biệt là khuyến khích không nên sinh nhiều con và cách phòng tránh thai an toàn. Cặp đôi H’Luôn Siêu (SN 1996) và Y Hưng Adrơng (SN 1995) kết hôn năm 2013, dù đã lâu nhưng đội ngũ tư vấn vẫn thường xuyên đến tận nhà để trao đổi, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. H’Luôn chia sẻ, nhờ xã tư vấn nên vợ chồng em chỉ mới sinh 1 con, sau này phát triển kinh tế khá hơn thì mới nghĩ đến việc sinh thêm con thứ 2.

Theo ông Nguyễn Hoài Linh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Ral, giải pháp can thiệp trực tiếp đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, việc thăm dò, nắm bắt thông tin vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trẻ vị thành niên thường giấu diếm tình cảm yêu đương sớm, những trường hợp yêu người ở xã khác lại càng khó tiếp cận. Mặt khác, trẻ vị thành niên trên địa bàn khá đông nên rất khó theo dõi. Vì vậy, để tiến tới đẩy lùi nạn tảo hôn, song song với việc vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, xã sẽ phân công cán bộ theo dõi địa bàn chú ý đến các trường hợp nghỉ học sớm, không có việc làm. Bên cạnh đó, sẽ cùng phối hợp với các địa phương lân cận để thực hiện có hiệu quả, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Thùy Linh - Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.