Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Thêm lợi ích thiết thực cho người bệnh

06:49, 09/06/2018

Thời gian qua, Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình không chỉ giúp cho những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính… tiếp cận với dịch vụ y tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu khi ốm đau, mà còn tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia BHYT bởi sự giảm trừ chi phí theo số người tham gia trong mỗi gia đình.

Bị tai biến mạch máu não, ông Vũ Duy Hùng (63 tuổi, trú tại khối 7, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) được gia đình đưa vào điều trị tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Hiện tại, sức khỏe của ông đang dần bình phục nhưng di chứng liệt nửa người bên trái vẫn cần điều trị dài ngày. Bị bệnh nặng đột ngột, chi phí điều trị lại cao, nhưng may có BHYT hộ gia đình nên ông cũng đỡ vất vả. Được biết, tuy kinh tế gia đình chỉ dựa vào canh tác nông nghiệp, nhưng sau khi được tuyên truyền, ông Hùng ý thức rõ lợi ích của việc tham gia BHYT nên đã tự nguyện mua BHYT cho cả 3 thành viên trong nhà liên tục từ năm 2014 đến nay. Ông Hùng chia sẻ: “Nằm ở viện, tôi thấy một số bệnh nhân bên cạnh không có BHYT, cứ vài hôm lại nộp viện phí 2-3 triệu đồng một lần, chợt nghĩ nếu mình không có BHYT thì lấy tiền đâu để chữa bệnh. Đúng là trong cái rủi vẫn có cái may”.

Cùng quan điểm như ông Hùng, nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Tấn Thủy, trú tại 161A/2, Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột cũng tự nguyện tham gia BHYT hộ gia đình nhờ hiểu rõ về quyền lợi khi khám chữa bệnh bằng BHYT. Chị Thủy tâm sự: Qua những lần ốm đau đi viện, tôi càng thấy rõ hơn ý nghĩa và lợi ích của BHYT mang lại. Vì thế, dù gia cảnh không lấy gì làm khá giả nhưng tôi vẫn mua BHYT cho mọi người trong nhà. Vì không đủ khả năng mua một lần, nên tôi chia làm 2 đợt tham gia. Bây giờ, cả 6 người trong nhà tôi đều đã có BHYT.

Khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana.
Khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana.

Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác và Thu hồi nợ, BHXH tỉnh, trước đây, khi tham gia BHYT mọi người đều đóng một mức như nhau bằng 4,5% mức lương cơ sở, nhưng từ 1-1-2015, với quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình, khi tham gia BHYT, chỉ có người đầu tiên trong gia đình phải đóng mức phí bằng 4,5% mức lương cơ sở. Những người còn lại sẽ hưởng mức đóng BHYT giảm dần theo số lượng thành viên tham gia với mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên. Như vậy so với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của người đóng phí BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng có nhiều người cùng tham gia BHYT thì chi phí mua BHYT càng giảm. Bên cạnh đó, người dân còn được đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm. Đây là giải pháp hỗ trợ những gia đình còn khó khăn về kinh tế.

Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 81,71% trên tổng dân số, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt trên 240.000 người.

Thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động để nâng mức bao phủ BHYT, nhất là đối với nhóm BHYT theo hộ gia đình, trong đó nổi bật là hoạt động nhân rộng các đại lý thu, các hình thức thu nhằm đưa chủ trương, chính sách BHYT đến với người dân, thúc đẩy tăng số lượng hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ BHYT. Chị Đinh Thị Giáo, một đại lý BHYT ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm đại lý BHYT chia sẻ: Từ khi BHYT hộ gia đình trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc theo Luật BHYT, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được “lợi đôi đường” từ BHYT hộ gia đình. Nhờ vậy, người dân ngày một tiếp cận với BHYT nhiều hơn, mức tham gia theo hộ gia đình cũng tăng lên.

Nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về chính sách BHYT.
Nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về chính sách BHYT.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng đảm bảo tính ổn định, bền vững, thời gian tới BHXH tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích khi tham gia. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương; tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên làm đại lý; chủ động phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ, không gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT. Đặc biệt, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng và củng cố mạng lưới đại lý thu BHYT rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn và thậm chí tận thôn, buôn, khu phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.