Multimedia Đọc Báo in

Thư viện tỉnh: Nỗ lực giúp thiếu nhi có một mùa hè bổ ích

09:12, 04/06/2018

Nhằm thu hút các em thiếu nhi đến với thư viện, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè, Thư viện tỉnh đã đầu tư nâng cấp phòng đọc, nâng cao chất lượng phục vụ độc giả nhỏ tuổi, tạo sân chơi lành mạnh, giúp các em có một mùa hè bổ ích, ý nghĩa.

Ngay từ những ngày đầu hè, Phòng đọc sách thiếu nhi của Thư viện tỉnh đã có rất đông bạn nhỏ đến đọc sách, vui chơi. Dù đang trong độ tuổi ưa vận động, thích sự náo nhiệt nhưng hầu hết các em đến đây đều rất trật tự, chỉ trao đổi thì thầm, khe khẽ tạo không khí yên tĩnh để không ảnh hưởng đến các  bạn đọc khác.

Em Phạm Trần Quỳnh Anh, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: Từ khi nghỉ hè, ngày nào bố mẹ cũng chở em đến Thư viện tỉnh để đọc sách, vui chơi. Em rất thích đến đây vì được đọc sách, chơi máy tính và tham gia các trò chơi với bạn bè; trong đó thích nhất là được đọc truyện tranh, truyện cổ tích Việt Nam và các nước trên thế giới... Còn với em Phạm Nguyễn Hà My, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột), lý do em thường xuyên đến Thư viện tỉnh đọc sách bởi nơi đây sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, có nhiều thể loại sách để lựa chọn. “Em rất thích đến Thư viện tỉnh vì không gian phòng đọc không bị gò bó, ngồi đọc thoải mái, lại có nhiều loại sách hay; ngoài ra còn có bạn bè để cùng trao đổi, chơi các trò chơi rèn luyện trí tuệ như cờ vua, domino, ô ăn quan... Những điều này rất bổ ích và ý nghĩa vì vừa giải trí, vừa được bổ sung thêm kiến thức và nâng cao hiểu biết, phục vụ tốt cho việc học tập”, Hà My bày tỏ.

Phòng đọc sách thiếu nhi (Thư viện tỉnh) thu hút đông đảo các em học sinh đến đọc sách vào dịp hè.
Phòng đọc sách thiếu nhi (Thư viện tỉnh) thu hút đông đảo các em học sinh đến đọc sách vào dịp hè.

Bà Phạm Thị Kim, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Những ngày hè, Phòng đọc sách thiếu nhi của Thư viện thu hút được khá đông các em học sinh; trung bình mỗi ngày có hơn 100 lượt độc giả, chủ yếu là học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với các em học  sinh tiểu học thường được bố mẹ chở đến vào đầu mỗi buổi rồi đến cuối buổi đón về. Phụ huynh rất yên tâm vì ở đây ngoài không gian sạch sẽ, thoáng mát, hiện đại còn có các cô thủ thư nhiệt tình, yêu quý trẻ em. Bên cạnh đó các em cũng được gặp gỡ, trao đổi với bạn bè cùng trang lứa... đã tạo môi trường đọc sách, vui chơi thân thiện, an toàn cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh hiện có hơn 17.200 bản sách (riêng năm 2018 bổ sung hơn 300 bản sách mới phục vụ hè); trong đó đa số là sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, với đầy đủ các thể loại: sách bổ trợ, sách tham khảo phục vụ học tập, truyện tranh, văn học dân gian, khoa học viễn tưởng, báo, tạp chí...

Để tăng cường phục vụ thiếu nhi trong dịp hè, ngay từ quý I - năm 2018, Thư viện tỉnh đã chủ động bổ sung nguồn sách báo, đặc biệt sách dành cho thiếu nhi. Hằng năm, thư viện tỉnh thường dành từ 10-15% kinh phí bổ sung nhiều thể loại sách báo cho thiếu nhi, trong đó chủ yếu là các loại truyện tranh, cổ tích, sách khoa học thường thức dành cho thiếu nhi, sách về “hạt giống tâm hồn”, kỹ năng sống cũng như nhiều tri thức khác… có nội dung thích hợp, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi nhằm giúp các em giải trí, nâng cao hiểu biết nhiều mặt, nuôi dưỡng tâm hồn và giúp các em hình thành nhân cách. Ngoài ra, thư viện còn tăng cường một số hoạt động phụ trợ để thu hút độc giả thiếu nhi như tổ chức những chủ đề thi vẽ tranh, cho các em tập tô tranh, chơi cờ tướng, cờ vua, những trò chơi nâng cao trí thông minh của trẻ.

Các em thiếu nhi thích thú với những trò chơi rèn luyện, nâng cao trí tuệ tại Phòng đọc sách thiếu nhi.
Các em thiếu nhi thích thú với những trò chơi rèn luyện, nâng cao trí tuệ tại Phòng đọc sách thiếu nhi.

Điểm mới của năm nay là Thư viện tỉnh đã đầu tư mở rộng, nâng cấp Phòng đọc sách thiếu nhi đảm bảo môi trường đọc, điều kiện đọc cho các em thực sự đúng nghĩa là “khuôn viên”, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với lứa tuổi của các em theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Trong không gian mở này, các em được sinh hoạt, đọc sách tự do, thoải mái trong cách đọc mà không bị gò bó tại các bàn đọc như lâu nay. Thư viện tỉnh cũng bố trí thủ thư là người nhiệt tình, trách nhiệm để hướng dẫn, giúp các em lựa chọn những cuốn sách phù hợp tâm lý lứa tuổi; đồng thời đổi mới phương thức phục vụ theo hình thức để các em được tự chọn, trong đó có định hướng, tư vấn tùy theo nhu cầu, sở thích, các em có thể tự chọn được những cuốn sách mà mình yêu thích, thấy cần thiết.

“Nhằm phát huy tối đa công năng của Phòng đọc sách thiếu nhi, trong dịp hè năm nay (cụ thể là từ tháng 5 đến tháng 7), bên cạnh những ngày làm việc hành chính, Thư viện tỉnh mở cửa cả ngày thứ bảy để phục vụ bạn đọc. Nếu nhu cầu đọc sách của các em thiếu nhi trong tỉnh vẫn còn nhiều trong giai đoạn này thì Thư viện sẽ tiếp tục phục vụ các em đến hết tháng 8...”, bà Phạm Thị Kim, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết thêm.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.