Đổi mới công tác quản lý hồ sơ người có công
Theo quy định, việc quản lý hồ sơ người có công tại địa phương do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) thực hiện. Công tác này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, giúp quản lý chặt chẽ đối tượng, khẳng định, ghi nhận công lao, sự hy sinh cống hiến của người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Ea Kar phân tích, trước đây công tác quản lý hồ sơ người có công theo quy định hiện hành là phù hợp, nhưng hiện nay ngoài việc hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, Đảng, Nhà nước có mở rộng một số chế độ chính sách liên quan đối với người có công và thân nhân; hầu hết người có công đều đã lớn tuổi, lại bị bệnh tật, thương tật, việc đi lại rất khó khăn. Do đó, khi thiết lập hồ sơ hoặc có vấn đề băn khoăn, thắc mắc liên quan đến chế độ ưu đãi đang được thụ hưởng bắt buộc phải lên Sở LĐ-TBXH để được trả lời, giải đáp, điều này ít nhiều gây khó khăn cho người có công. Xuất phát từ thực tế trên, Phòng LĐ-TBXH huyện Ea Kar đã kiến nghị Sở LĐ-TBXH cho rà soát, sao lục một số giấy tờ cơ bản nhất trong hồ sơ gốc người có công của huyện, trước hết để phòng quản lý, nghiên cứu, khai thác thông tin. Thứ hai là có cơ sở giải thích, trả lời kịp thời, chính xác những thắc mắc, kiến nghị của người có công.
Cán bộ Phòng Người có công và Phòng LĐ-TBXH huyện Ea Kar đang rà soát hồ sơ người có công với cách mạng. |
Ông Thanh đơn cử: Một thương binh hạng 4/4 (tỷ lệ thương tật 21%) thắc mắc “Tại sao tôi chỉ được hưởng chế độ thương binh, mà không được hưởng thêm chế độ bệnh binh? Trong khi một thương binh khác cũng có tỷ lệ thương tật 21% nhưng lại được hưởng đồng thời cả hai chế độ thương binh và bệnh binh”. Để trả lời chính xác, thỏa đáng nội dung thắc mắc này bắt buộc phải có hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu những giấy tờ liên quan của hai đối tượng. Do không có hồ sơ, Phòng LĐ-TBXH huyện không có cơ sở trả lời, nên giới thiệu đối tượng lên phòng chức năng của Sở. Chính vì không nhận được câu trả lời từ cơ sở nên một số người có công có tâm lý không thoải mái, thậm chí cho rằng cán bộ địa phương gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng. “Việc rà soát, sao lục hồ sơ về địa phương quản lý giúp người có công giảm thời gian, chi phí đi lại trong quá trình liên hệ với các cơ quan nhà nước để tìm hiểu, giải quyết chế độ”, ông Thanh nhấn mạnh.
“Đây là một trong những giải pháp có hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước về người có công. Do đó, Phòng Người có công sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí cán bộ có kinh nghiệm để giúp các địa phương rà soát, sao lục hồ sơ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết lĩnh vực đặc thù này”.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH)
|
Phòng LĐ-TBXH huyện Ea Kar hiện đang quản lý 3.900 đối tượng người có công, trong đó trên 1.200 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, còn lại hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác. Việc quản lý các đối tượng nhận trợ cấp ưu đãi hằng tháng khá thuận lợi, còn đối tượng nhận trợ cấp một lần thì quản lý hồ sơ khá khó khăn, dẫn đến việc thực hiện chế độ ưu đãi có lúc thiếu kịp thời. Qua lần rà soát, sao lục hồ sơ này, một lần nữa Phòng LĐ-TBXH huyện Ea Kar muốn đối chiếu, xác định chính xác về số lượng đối tượng, chế độ ưu đãi mà đối tượng đang thụ hưởng, qua đó kịp thời giải quyết các chế độ chính sách có liên quan. Ví dụ nếu người có công chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế, nếu chẳng may họ qua đời thì giải quyết chế độ mai tang phí kịp thời... Mặt khác, qua rà soát, sao lục hồ sơ người có công cũng có thể phát hiện những trường hợp hưởng không đúng chế độ chính sách (thương binh, bệnh binh giả) để tham mưu cho các cấp, các ngành xem xét điều chỉnh hoặc cho thôi hưởng chế độ chính sách.
Xung quanh công tác rà soát, sao lục hồ sơ người có công với cách mạng, ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) cho biết, sở LĐ-TBXH đang quản lý hơn 49 nghìn hồ sơ người có công và thân nhân được hưởng các chính sách, trong đó có gần 13 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Việc rà soát và in sao hồ sơ người có công với cách mạng về lưu trữ tại các địa phương là việc làm hết sức cần thiết, một mặt giúp ngành quản lý chặt chẽ hơn đối tượng, quan trọng hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng và cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở trong việc hướng dẫn thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ chính sách. Trên cơ sở thí điểm của huyện Ea Kar, Sở LĐ-TBXH sẽ đánh giá, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ở các địa phương khác.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc