Dang rộng "Vòng tay yêu thương"
Nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương (TP. Buôn Ma Thuột) quy tụ những bạn trẻ với nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau, nhưng đều có chung một chí hướng như câu slogan của nhóm: “Vòng tay siết chặt – Sưởi ấm trái tim”.
Để góp phần “sưởi ấm” những cảnh đời khốn khó, bất hạnh, nhóm thường xuyên tổ chức các chương trình như nấu cơm cho bệnh nhân tại các bệnh viện, chén cơm yêu thương – 5 nghìn đồng cho người nghèo, khoan giếng tại các trường học, tổ chức vui tết thiếu nhi, tết Trung thu, bữa cơm có thịt cho trẻ em nghèo, sửa nhà cho học sinh và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Anh Nguyễn Duy Học (Trưởng nhóm, sinh năm 1985, trú thôn 1A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) tâm sự, sau mỗi chuyến đi thiện nguyện anh lại thấy nhiều vùng, nhiều hoàn cảnh còn khó khăn, càng muốn giúp đỡ nhiều hơn nữa, nhất là đối với các học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội đến trường. Đến nay, chương trình Vì học sinh nghèo được Nhóm Vòng tay yêu thương tổ chức 14 lần, mang học bổng, đồ dùng học tập, sách vở, áo trắng, áo ấm… đến trao cho các học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ chi phí (ăn, ở, học tập) cho 3 em học sinh nghèo học giỏi không có điều kiện đi học, giúp các em tiếp tục được đến trường vươn lên theo đuổi ước mơ của mình.
Anh Nguyễn Duy Học trao quà hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. |
Nhóm Vòng tay yêu thương thành lập đã được hơn 6 năm, số lượng tình nguyện viên có thời điểm lên đến 2 nghìn người, hầu hết là học sinh, sinh viên. Sau nhiều năm tham gia nhóm có người đã ra trường đi làm, ít có thời gian tham gia nhưng vẫn gửi kinh phí để nhóm thực hiện các chương trình. Tính riêng trong năm 2017, nhóm đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho các chương trình, dự án thiện nguyện. |
Cuối năm 2017, anh Học đến thực tế tại xã Cư Né (huyện Krông Búk) và tình cờ biết được hoàn cảnh khó khăn của nhiều học sinh tại địa phương. Trong đó, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám có 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo chiếm hơn một nửa, nhiều em vì không có đủ điều kiện đã phải bỏ học. Ngay khi đó, anh Học chia sẻ trên mạng xã hội facebook kêu gọi hỗ trợ để giúp đỡ các em. Chỉ một thời gian ngắn, nhóm đã quyên góp và trao tặng 200 phần quà gồm áo trắng, đồ dùng học tập và trao 6 suất học bổng (2,5 triệu đồng/suất) cho các học sinh đặc biệt khó khăn tại trường, tiếp thêm động lực cho các em.
Mới đây, anh Học nghe được câu chuyện về điều kiện sinh hoạt khó khăn của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Đrắk). Tìm đến nơi, anh Học thấy khu bán trú của trường đã bị hư hỏng, khu bếp nấu ăn của phụ huynh và nhà trường làm đã xuống cấp; học sinh tại đây hầu hết là con em đồng bào Mông, nhà xa nên thường phải ở bán trú tại trường. Rất nhanh chóng, anh lên kế hoạch thực hiện, kêu gọi kinh phí được gần 40 triệu đồng. Và chỉ sau 2 ngày làm việc không ngừng nghỉ của 31 tình nguyện viên, nhóm đã sửa xong khu bán trú cho các em học sinh ở đây. Bên cạnh đó, nhóm hỗ trợ chi phí (ăn, ở, học tập) cho 3 em học sinh nghèo học giỏi không có điều kiện đi học, giúp các em tiếp tục được đến trường vươn lên theo đuổi ước mơ của mình.
Nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương trong chuyến sửa nhà cho người dân ở huyện Krông Bông. |
Ít ai biết, người Trưởng nhóm - anh Nguyễn Duy Học bị nhiễm chất độc da cam, đôi chân bẻ ngược ra sau, tay co quắp, sinh hoạt khá khó khăn. Nhưng bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, anh Học xóa bỏ tự ti về bản thân, vươn lên cố gắng học tập, tham gia tình nguyện để tự tin, năng động hơn. Không ngờ, công việc tình nguyện ăn sâu vào máu, như anh chia sẻ: “Hạnh phúc đơn giản chỉ là nhìn thấy ai đó cười thật tươi sau mỗi chương trình thiện nguyện”. Năm 2010 anh Học làm Kỹ thuật viên tin học cho Công ty Cổ phần Nha khoa Xuân Hương (TP. Buôn Ma Thuột), dù bận công việc mưu sinh nhưng đều đặn mỗi tuần 1 buổi anh Học đến dạy tin học cho các trẻ em khuyết tật tại một trung tâm trên địa bàn. Năm 2012, anh Học cùng chị Nguyễn Thị Hải Hồng (TP. Buôn Ma Thuột) thành lập Nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương để cùng tổ chức các chương trình từ thiện. Năm 2014, do quá bận rộn với công việc từ thiện, anh Học đã nghỉ việc, về lại xã Ea Kly tự kinh doanh để có điều kiện chăm lo cho nhóm.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc