Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số

08:15, 16/09/2018

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột quan tâm, chú trọng. Qua đó giúp nhiều chị em có việc làm, tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Hội LHPN xã Ea Kao hiện có trên 2.700 hội viên sinh hoạt tại 14 chi hội, trong đó có gần 1.200 hội viên là người DTTS, đa phần đời sống còn gặp nhiều khó khăn do trình độ học vấn thấp, thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất.

Nhằm giúp hội viên có điều kiện cải thiện cuộc sống, thời gian qua Hội LHPN xã Ea Kao đã tích cực phối hợp với các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp. Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao, Hội đã triển khai khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm sau khi học người lao động có thể sống được với nghề.

Từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN xã Ea Kao đã tổ chức được 18 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng nấm… cho khoảng 630 học viên. Ngoài công tác đào tạo nghề, Hội Phụ nữ các cấp cũng đã chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển nghề đã học. Đến nay, Hội LHPN xã đã phối hợp Đoàn thanh niên, Ngân hàng Chính sách xã hội đứng ra vay tín chấp 300 triệu đồng cho 19 chị vay. Nhờ phát huy nghề đã học, thu nhập của nhiều hội viên phụ nữ tăng lên đáng kể (từ 1-1,5 triệu đồng/tháng) giúp họ ổn định cuộc sống.

Một lớp dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại buôn Hwiê.
Một lớp dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại buôn Hwiê.

Nhờ học nghề mà chị H’Tuyết Êban (buôn Tơng Jú) không còn phải đi làm thuê, làm mướn như trước, nay chị đã có một công việc ổn định với mức thu nhập khá hơn để lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống. Trước đây, kinh tế của gia đình chị H’Tuyết phụ thuộc vào 3 sào cà phê già cỗi nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, được tin có lớp học nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho chị em phụ nữ, chị H’Tuyết đã đăng ký tham gia học. Sau 3 tháng chăm chỉ học tập, chị H’Tuyết đã có thể dệt thuần thục và biết dệt một số họa tiết mới để trang trí cho sản phẩm… Học xong, chị H’Tuyết chuyên tâm hơn vào công việc dệt. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chị lại mang khung cửi ra dệt những sản phẩm đã được học như chăn, quần áo, khăn trải bàn… để bán cho người dân trong vùng. Ngoài ra, chị còn liên kết với Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông nhận đơn hàng về dệt tại nhà để có thêm thu nhập. Trung bình, mỗi tháng chị có thêm hơn 2 triệu đồng từ nghề dệt.

 

 “Việc phối hợp tổ chức dạy nghề đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cũng như thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn xã, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo”. 

 
 
 Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao

Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, chị H’Tuyết còn học thêm nghề may. Hiện chị đang là một trong 3 thợ may sản phẩm chính của HTX thổ cẩm Tơng Bông với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Không riêng chị H’Tuyết, có nhiều chị em trong buôn sau khi tham gia các lớp học may, dệt thổ cẩm cũng được HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông nhận vào làm. Hiện tại, HTX đã tạo công ăn việc làm cho 45 lao động nữ, với mức lương từ 2,2 - 3 triệu đồng/tháng.

Chị H’Trâm Hmok (buôn Hwiê) thích may vá từ thuở nhỏ nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đành gác lại. Khi biết có lớp dạy may mở ngay trong buôn, chị liền đăng ký tham gia học để thỏa đam mê và mong muốn kiếm cho mình một công việc ổn định. Đều đặn tuần 4 buổi, chị H’Trâm đến nhà văn hóa cộng đồng để học may. Qua gần 2 tháng học, chị đã nắm vững những kiến thức, công đoạn của nghề may. Ngoài giờ học, chị H’Trâm còn xin đi làm công việc cắt chỉ, xếp đồ, ép keo… tại một xưởng may trên địa bàn với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng. Chị H’Trâm cho biết: “Sau khi học xong tôi sẽ đầu tư một chiếc máy khâu để nhận gia công sản phẩm tại nhà hoặc xin làm việc tại các công ty, xưởng chuyên về may mặc để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình”.

Chị H’Tuyết Êban (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao) giới thiệu sản phẩm do bản thân cắt, may.
Chị H’Tuyết Êban (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao) giới thiệu sản phẩm do bản thân cắt, may.

Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức được 3 lớp dạy nghề  may công nghiệp và trồng nấm cho hơn 100 học viên ở buôn Hwiê và buôn Kao. Trong thời gian tới, Hội sẽ mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ DTTS, giúp họ có thể lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân, tiếp tục hỗ trợ hội viên khó khăn được vay vốn để phát triển nghề đã học; liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc cũng như xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn…”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.