Multimedia Đọc Báo in

Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn

08:13, 09/09/2018

Trong thời đại hiện nay, việc giáo dục trẻ biết ứng xử sao cho phù hợp trong giao tiếp là điều hết sức quan trọng; đó là dạy trẻ biết nói lời xin lỗi, biết tự tin trong giao tiếp, biết cảm ơn khi nhận được quà hay sự giúp đỡ từ người khác…

Lời nói cảm ơn nghe tưởng chừng như rất đơn giản với mỗi chúng ta trong giao tiếp ứng xử hằng ngày nhưng nó lại đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hình thành đạo đức, nhân cách trẻ trong giao tiếp và ứng xử. Có không ít các ông bố, bà mẹ tỏ ra bối rối, thậm chí xấu hổ trước hành xử chưa đúng mực của con mình với người lớn tuổi, người thân, bạn bè... Tính trẻ rất ham chơi, hiếu động và thực dụng. Vậy nên, mỗi khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác hoặc có dịp được nhận quà từ người thân hay khách đến nhà, trẻ thường tập trung vào lợi ích hoặc tò mò về món quà mà quên bẵng việc mình phải nói lời cảm ơn…

Có lẽ, để giáo dục trẻ nói lời cảm ơn, trước hết, cha mẹ phải giúp con hiểu thế nào là cảm ơn và vì sao phải nói lời cảm ơn. Chẳng hạn, khi trẻ nhận quà từ người thân trong gia đình như ông bà, cô chú, cha mẹ, anh chị..., cần dạy trẻ biết nói lời cảm ơn trước khi đưa tay ra nhận, rồi phải giảng giải cho trẻ hiểu tại sao con được nhận. Từ đó, cứ tập dần cho trẻ một vài lần thì trẻ sẽ có ý thức cũng như thói quen ứng xử khéo léo khi nhận được quà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn khi giao tiếp cũng có nghĩa chúng ta - các bậc ông bà, cha mẹ - cần phải nêu gương. Mọi hành vi, lời nói của chúng ta hằng ngày trẻ đều có thể học theo. Vì thế, khi ta ứng xử có văn hóa và lịch sự biết nói lời cảm ơn trong giao tiếp sẽ giúp trẻ học tập và noi theo nhanh hơn. Đồng thời, trẻ cũng có ý chí phấn đấu để xứng đáng với những gì được nhận.

Bố mẹ hãy bắt đầu bằng việc nhẹ nhàng khích lệ trẻ nói cảm ơn; chỉ cho trẻ thấy mọi người sẽ vui khi nghe lời cảm ơn từ trẻ. Người lớn không nên tiếc những lời khen ngợi cho trẻ sau mỗi lần nói cảm ơn như “con thật ngoan”, “con giỏi quá”, “con anh chị thật ngoan”… Sự khích lệ tưởng chừng nhỏ đó lại có tác động rất lớn đối với trẻ. Với tâm trạng hân hoan, chúng sẽ nhớ lâu hơn, kỹ hơn việc cảm ơn khi cần thiết. Không ít các bậc cha mẹ vì nuông chiều con mình thái quá, khiến trẻ luôn ngang bướng và đòi hỏi, chỉ biết nhận chứ không biết cảm ơn hay từ chối bao giờ.

Thiển nghĩ, việc dạy trẻ nói lời cảm ơn không hề khó, có điều cần phải có sự kiên trì và nhẫn nại, tinh tế của các bậc cha mẹ. Qua việc giáo dục trẻ điều này, chúng ta đã gián tiếp giúp trẻ thể hiện tình cảm đối với cha mẹ, người thân và khách của gia đình cũng như với mọi người xung quanh. Đó cũng là điều cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.