Những "thân cò" lặn lội mưu sinh
Chị H’Tít Long Đing (31 tuổi, ở buôn Tría, xã Yang Tao) có thâm niên hơn 5 năm trong nghề cho biết, nhà có 3 sào ruộng nước và ít đất rẫy cằn cỗi chỉ trồng sắn với bắp nên thu nhập không đủ lo 5 miệng ăn và 2 con nhỏ đi học. Vì vậy, tranh thủ lúc nhàn rỗi, chị xách giỏ ra đồng mò thêm con hến, con ốc về cải thiện bữa ăn gia đình. Lắm hôm bắt được nhiều ăn không hết, chị đem ra chợ bán. Lâu dần, chị gắn bó với nghề này luôn.
Theo chị H’Tít, nghề mò ốc, bắt hến rất cơ cực. Họ phải lội bùn, khom lưng xuống nước từ sáng sớm đến trưa muộn hoặc từ trưa đến chiều tà nên khắp người ê mỏi. Dầm mình dưới nước đục bẩn lâu ngày hay bị các bệnh nấm ngứa, đau thấp khớp… Chưa kể dưới dòng nước sâu nhiều vỏ sò ốc, mảnh vỡ thủy tinh sẵn sàng đâm, cào rách da, song vì cuộc sống, họ vẫn miệt mài mò mẫm không ngừng nghỉ. Cả buổi lội nước cào bùn, thành quả chị H’Tít thu được là 5-7 ký hến và vài ba ký ốc, với giá bán xô 7 nghìn/ký, chị thu được 60-70 nghìn đồng. Hôm nào gặp may bắt được nhiều, chị có thể kiếm trên 100 nghìn đồng. Như vậy trung bình mỗi tháng, những người “thợ” mò hến, bắt ốc kiếm hơn hai triệu đồng. Số tiền này đối với những lao động nghèo là một khoản lớn, giúp họ trang trải nhiều việc trong cuộc sống hằng ngày.
Chị H’Tít Long Đing đã hơn 5 năm theo nghề mò hến, bắt ốc. |
Tuy nhiên, kiếm được đồng tiền từ nghề mò hến, bắt ốc không hề đơn giản. Người bắt phải đổi mồ hôi, nước mắt mới có được, nhưng đây là nghề thu “tiền tươi thóc thật”, không phải bỏ vốn đầu tư… nên là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ, trong đó có cả người già. Tuổi 70 lẽ ra Amí Lih ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) đã có tuổi già yên vui bên con cháu, nhưng vì cuộc sống khó khăn bà phải bám mình bên Hồ Lắk bắt từng con ốc, con cua kiếm sống. Amí Lih không nhớ mình bắt đầu làm nghề này từ khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi, khi con cái lập gia đình ra ở riêng, thân già ốm yếu không lên nương rẫy nên đi ra hồ hái rau dại bán kiếm sống. Dần dần, nguồn rau cạn kiệt, bà bắt đầu lội nước mưu sinh dưới lòng hồ. Bắt trúng con nào bà lấy con đó khi thì cua, hến, ốc, con xìa (trai sông)…
Amí Lih tâm sự, nghề này ai làm cũng được, miễn là chịu khó lội nước mò bắt. Còn bắt được nhiều hay ít là tùy vào sức lực, khả năng của từng người. Nhiều năm trong nghề, Amí Lih tiết lộ, muốn bắt được nhiều ốc, hến mà ít tốn công sức thì ta phải tìm đúng nơi chúng trú ẩn như: con ốc thích bám vào dây rau, cọng bèo ta chỉ cần dở rau bèo lên là thấy; con hến ưa sống ở vũng nước cạn, lại bám sâu dưới đất bùn, ta muốn bắt được phải dùng tay cào mạnh dưới bùn. Nắm rõ đặc tính phân bố của con cua, con hến trong Hồ Lắk như lòng bàn tay, nhưng có hôm Amí Lih cũng phải xách giỏ không về nhà. Bởi người đi bắt ngày càng nhiều trong khi cua, ốc trong tự nhiên thì vơi hiếm dần. Dù đường mưu sinh bị thu hẹp dần, Amí Lih vẫn cố bám trụ. Amí bảo, tuổi già lắm bệnh tật nhưng con cái đứa nào cũng cực khổ, bà không muốn thêm gánh nặng cho chúng.
Phải dầm mình dưới nước để mưu sinh. |
Chị H’Tit và Amí Lih là hai trong số nhiều phụ nữ ở những vùng quê nghèo chọn cách mưu sinh dưới bùn nước như những “thân cò”. Bao vất vả, hiểm nguy trong nghề, họ chưa bận tâm lắm, chỉ mong ruộng đồng sinh sôi nhiều loại thủy sản cho họ có công việc, kiếm miếng ăn nuôi gia đình.
Ý kiến bạn đọc