Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề cạo mủ

10:38, 24/10/2018

Khi mọi người còn đang say giấc nồng, những người thợ cạo mủ cao su ở Nông trường Cao su Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) mới bắt đầu công việc của mình. Những đốm sáng theo vệt dài lúc tỏ lúc mờ của những chiếc đèn pin giữa các lô cao su bạt ngàn là minh chứng cho công việc tìm “vàng trắng” đầy nhọc nhằn.

“Cao su xanh tốt lạ đời, mỗi cây bón một xác người công nhân” - nghề cạo mủ cao su đã gắn với những khó khăn nhọc nhằn, những ký ức đau xót thời bị thực dân đô hộ. Giờ đây, quan niệm đó tuy đã lùi vào dĩ vãng, những người thợ cạo mủ đã có thể sống tốt nhờ nghề nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều vất vả. Hơn 8 năm nay, gia đình H’Níp Ayun (SN 1985, ở buôn Jút, xã Bình Thuận) gắn bó với nghề cạo mủ cao su. Công việc này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị nhưng đó cũng là nghề vất vả, nhọc nhằn, nhất là đối với phụ nữ. Chị H’Níp trải lòng: "Lúc mới bắt đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật, nên tôi cạo mủ rất chậm, vì vậy tôi thường đi làm sớm hơn những người khác, có khi đi từ 12 giờ đêm để cạo xong sớm. Giờ đây, công việc đã thành thạo tôi vẫn giữ thói quen đi làm sớm để hoàn thành xong phần của mình thì có thể cạo choàng (làm thêm phần của những công nhân không đi làm hôm đó) để đạt sản lượng nông trường giao và có thêm thu nhập. Nghề này không chỉ cạo mủ trên cây mà còn phải đi trút mủ đưa về cân nhập cho nông trường, gần trưa lại đi trút mủ lần hai để trưa kịp nhập mủ, buổi chiều tiếp tục chăm sóc cao su, bắt dây dẫn mủ để tiết kiệm thời gian cạo mủ.

Chị H’Níp Ayun tỉ mẩn cạo mủ cao su.
Chị H’Níp Ayun tỉ mẩn cạo mủ cao su.

 Nghề cạo mủ gắn liền với màn đêm, gió, sương nên thường bị ốm và nhiều khi phải đối mặt với những tai nạn bất ngờ như rắn, rết, cây ngã… rất nguy hiểm. Cách đây không lâu, khi chị H’Níp đang cạo mủ thì bất ngờ bị trượt tay, dao cạo mủ bật ra cắt đứt gân cổ tay. Nhưng với chị H’Níp cũng như nhiều chị em gắn bó với nghề cao mủ điều này không đáng sợ bằng việc khi đang cạo mủ mà gặp trời mưa. Chị H’Níp cho hay, nhiều khi mưa bất ngờ chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến việc mặc áo mưa cho mình mà là cuộc chạy trút mủ, trút được chừng nào hay chừng đó. Mủ cao su chảy chậm mà hạt mưa lại rất nhanh, nhìn số mủ bị hòa lẫn trong nước mưa mà không làm gì được khiến chị rất xót xa.

Tương tự, là công nhân cạo mủ của Nông trường Cao su Cư Bao hơn 20 năm, chị H’Ráo Ayun (SN 1980, ở buôn Krum B, xã Cư Bao) là người hiểu hơn ai hết những vất vả, nhọc nhằn của nghề. Do công việc làm thuê làm mướn không ổn định nên từ khi mới 17 tuổi chị đã theo các anh chị trong buôn đi cạo mủ cao su, sau đó chị H’Ráo xin vào nông trường làm nghề cạo mủ. Đều đặn, 2 giờ sáng chị bắt đầu đi làm với hành trang gồm: một chiếc đèn pin, dao cạo mủ và một cái xô nhỏ được đeo bên người để vét mủ số mủ còn sót lại trong bát của ngày hôm trước. Đến khi lập gia đình, con còn quá nhỏ, không ai nhận trông giữ nên trước khi đi làm chị phải bế con sang nhà bà ngoại ở xã Bình Thuận gửi. Cứ thế, con chị quen với cảnh phải thức dậy lúc bố mẹ đi cạo mủ, không được bố mẹ đưa đi học… Thương con nhưng vì đặc thù nghề nghiệp mà phải gác lại những lo lắng! Thế nên, có nhiều người không bám trụ lại nổi với nghề phải tìm công việc khác để làm.

Chị H’Ráo Ayun đã làm công việc cạo mủ cao su được hơn 20 năm.
Chị H’Ráo Ayun đã làm công việc cạo mủ cao su được hơn 20 năm.

Công việc cạo mủ cao su rất khó khăn, thu nhập lại bấp bênh nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người thợ cạo mủ ở Nông trường Cao su Cư Bao vẫn gắn bó lâu dài với nghề, hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.