Vượt lên nỗi đau da cam
Người dân thôn 2, xã Dang Kang (huyện Krông Bông) vẫn luôn khâm phục nghị lực vượt lên hoàn cảnh của gia đình ông Huỳnh Thanh Tùng có hai nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Thăng Bình (Quảng Nam), ông Tùng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Cuối năm 1972, trong một lần vận chuyển lương thực, thuốc men về đơn vị, ông bị máy bay B57 của địch thả bom và bị thương ở vùng bụng. Sau một thời gian điều trị, ông tiếp tục trở lại đội công tác tham gia chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước. Tháng 11-1976, ông Tùng được điều động lên công tác ở Ban Kinh tế mới tỉnh Đắk Lắk và đến năm 1979, vì sức khỏe giảm sút, ông xin thôi việc về sinh sống tại xã Dang Kang cho đến ngày nay.
Trở về cuộc sống đời thường là thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật 30%, ông Tùng lập gia đình và lần lượt 8 đứa con ra đời. Điều khiến ông day dứt là người con thứ bảy bị câm và dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc da cam. Con cái nheo nhóc, bệnh tật khiến cuộc sống của gia đình ông ngày càng khó khăn, thiếu thốn.
Ông Tùng suy nghĩ: Muốn chiến thắng bệnh tật, đói nghèo cần phải thay đổi cung cách làm ăn. Năm 1994, sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định dành khoản tiền trợ cấp thương tật để thuê mướn thêm lao động cùng với sức lực của hai vợ chồng khai hoang mở rộng diện tích, quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ông bố trí trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái và cây hoa màu ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi heo sinh sản. Từ chỗ diện tích nhỏ lẻ, độc canh cây lương thực, đến nay gia đình ông Tùng đã có 2,5 ha đất canh tác (không kể số diện tích chia cho các con khi lập gia đình ở riêng), trong đó có 1 ha cà phê, 4.000 m2 tiêu, 2.000 m2 ruộng nước, gần 1 ha cây trồng khác… Với nguồn thu nhập từ sản xuất, sau trang trải mọi chi phí, ông còn tích lũy được số vốn kha khá. Năm 2005, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện sản xuất, sinh hoạt có giá trị; 6 người con lập gia đình đều được ông cấp vốn làm ăn và có cơ ngơi đàng hoàng…
Tuy nhiên, tuổi tác ngày càng cao, những khi “trái gió trở trời” vết thương cũ tái phát, con cái đau yếu phải điều trị dài ngày, số tiền tích lũy bấy lâu cũng dần cạn kiệt, cùng thời điểm này mặt hàng cà phê rớt giá khiến gia đình ông Tùng lại rơi vào cảnh khó khăn. Giữa lúc đó, ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh cho vay 10 triệu đồng không lãi. Số tiền này được ông tập trung đầu tư chăm sóc diện tích các loại cây trồng hiện có và mua giống sầu riêng, bơ Booth… về trồng. Hiện nay, thu nhập của gia đình ông từ cà phê, hồ tiêu bình quân trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí; chưa kể các loại cây trồng ngắn ngày, cây ăn trái và chăn nuôi cũng cho một nguồn thu đáng kể.
Ông Nguyễn Hoài Liên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Krông Bông nhận xét: Toàn huyện hiện có 52 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, hầu hết nay đã tuổi cao, sức yếu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong đó, với sự nghị lực vươn lên và sự hỗ trợ kịp thời của Hội, gia đình ông Huỳnh Thanh Tùng hiện có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Ông Tùng đã được biểu dương là điển hình tiên tiến tại Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Krông Bông nhiệm kỳ 2018 -2023.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc