Lan tỏa các mô hình tiết kiệm của phụ nữ
Những năm gần đây, từ phong trào học tập và làm theo gương Bác, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các mô hình tiết kiệm, góp phần hỗ trợ nhiều chị em khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhiều mô hình thiết thực
Năm 2017, Hội Phụ nữ xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã phát động xây dựng mô hình thực hành tiết kiệm theo nhóm với tên gọi “Hũ gạo tình thương”. Để mô hình thu hút nhiều hội viên, phụ nữ, ngoài việc tuyên truyền, vận động, Hội đã làm việc với các chủ nhà máy xay lúa trên địa bàn để đặt 5 "Hũ gạo tình thương" tại 5 điểm xay lúa, hội viên phụ nữ đi xay lúa đều bỏ từ 1-2 nắm gạo vào hũ. Từ tháng 5-2017 đến nay, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã tiết kiệm được hơn 500 kg gạo, tặng cho 38 chị có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân nuôi con, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo...
Theo chị Lục Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư M’gar, những hạt gạo sẻ chia không chỉ là giải pháp hữu hiệu trong việc giúp chị em phụ nữ vượt qua lúc khó khăn, động viên họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống mà còn hình thành ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn xã.
Hội viên phụ nữ phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đập heo đất tiết kiệm giúp chị em khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. |
Đầu năm 2014, Chi hội phụ nữ thôn 5 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) đã chủ động xây dựng mô hình “Phụ nữ đảm đang” gồm 17 thành viên với mục đích giúp chị em được trang bị kiến thức, kỹ năng sống của người phụ nữ hiện đại, từ đó có kế hoạch rèn luyện bản thân theo hướng tích cực, đồng thời cùng chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Ngoài kinh nghiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, chị em tham gia mô hình còn được chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, làm kinh tế hiệu quả và xây dựng nguồn quỹ góp vốn xoay vòng. Với mức tham gia tiết kiệm phù hợp, quy chế quản lý vốn chặt chẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình đã huy động được hơn 30 triệu đồng, qua đó giúp chị em gặp khó khăn về nguồn vốn được vay để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Cũng nhờ số vốn này mà 7 thành viên trong mô hình đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Hiện mô hình có 10 thành viên làm kinh tế giỏi, 7 thành viên làm kinh tế khá với mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.
"Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ sẽ nhân rộng mô hình tiết kiệm đến 100% cơ sở hội, không chỉ góp phần thực hiện an sinh xã hội, phát huy tinh thần tương thân tương ái mà còn giúp chị em nâng cao ý thức và hiểu biết về cách thức tiết kiệm, từng bước xây dựng thói quen tiết kiệm trong đời sống hằng ngày".
- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong
|
Tại buôn Alê A, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), "Nuôi heo đất" của Chi hội phụ nữ là mô hình điển hình trong phong trào tiết kiệm tại địa phương. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Chi hội thống nhất nuôi 10 con heo đất tại 10 tổ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình hội viên mà mỗi tổ có cách tiết kiệm tiền cho phù hợp. Định kỳ hằng tuần, tổ trưởng sẽ mang heo đến từng nhà để vận động đóng góp, đồng thời tuyên truyền đến hội viên việc học tập và làm theo gương Bác về tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Riêng năm 2017, từ mô hình này, toàn chi hội đã tiết kiệm được gần 80 triệu đồng. Số tiền sau mỗi đợt tiết kiệm được các chị bàn bạc, thống nhất để giúp hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất, buôn bán nhỏ và hỗ trợ cho cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, còn dành để tặng học bổng cho các cháu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi; tặng quà cho cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào những dịp lễ, Tết, thăm hỏi khi ốm đau bệnh tật…
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Phấn đấu thi đua thực hành tiết kiệm theo gương Bác là phong trào đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh. Hiện nay, mô hình tiết kiệm của phụ nữ trong toàn tỉnh được triển khai với nhiều loại hình như: “Nuôi heo đất”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, tổ góp vốn xoay vòng... Bên cạnh đó còn tiết kiệm qua chương trình, dự án tín dụng của Hội, với các ngân hàng. Thông qua mô hình tiết kiệm, các cấp Hội đã góp phần hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tính riêng từ đầu năm đến nay, từ các mô hình, Hội đã huy động được hơn 6, 8 tỷ đồng giải quyết cho 2.025 phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, hoạn nạn, đơn thân vay.
Hội viên phụ nữ Chi hội buôn Alê A, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) bỏ tiền tiết kiệm giúp đỡ hội viên khó khăn. |
Có thể khẳng định, từ các mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau đã góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Hội đối với chị em phụ nữ. Với những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đã và đang nêu cao quyết tâm tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc