Multimedia Đọc Báo in

Thiếu hộ khẩu, chính sách hỗ trợ không đến được với học sinh vùng khó

09:18, 07/11/2018

Do gia đình không có hộ khẩu ở nơi cư trú, hàng chục học sinh xã vùng III Đắk Phơi (huyện Lắk) phải chịu nhiều thiệt thòi khi không được thụ hưởng các chính sách của Chính phủ.

Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) phải bảo đảm một trong các điều kiện như: bản thân bố và mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường thuộc xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi…; nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học, 7 km trở lên đối với học sinh THCS.

Các em học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) ôn bài trước khi lên lớp.
Các em học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) ôn bài trước khi lên lớp.

Theo quy định này, nhiều học sinh ở huyện Lắk, chủ yếu tập trung ở xã vùng III Đắk Phơi sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền nhà ở, tiền ăn và gạo hằng tháng. Cụ thể, sẽ hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; hỗ trợ gạo mỗi tháng 15 kg/học sinh; hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do trường không thể bố trí bán trú. Thực tế, xét về khoảng cách, các em đủ điều kiện, song hầu hết lại đều vướng về hộ khẩu nên không được thụ hưởng chính sách.

Đơn cử như trường hợp em Ma Văn Hai (lớp 8B, Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk Phơi), mặc dù gia đình chuyển vào Đắk Lắk hơn 10 năm nay, nhưng mới chỉ có sổ tạm trú nên khi đi học em không được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Em Hai cho hay, nhà em ở đồi Đắk Hiu cách trường gần 10 km. Do đường đi lại cách trở, em và một số bạn phải ở tạm tại nhà tập thể của trường, mọi chi phí, sinh hoạt, ăn uống hằng tháng bố mẹ em phải chu cấp.

Tương tự, trường hợp em Trương Thị Thải (lớp 8A, Trường THCS Lê Lợi) cũng cùng cảnh ngộ. Mặc dù gia đình em vào sinh sống tại huyện Lắk từ nhiều năm nay, nhưng do thuộc diện di cư, sống trên đất lâm trường nên gia đình không đủ điều kiện để được cấp hộ khẩu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm thuê cuốc mướn chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày và cấp cho em mỗi tuần 50 nghìn đồng tiền ăn uống khi đi học. Em Thải tâm sự, nếu được Nhà nước hỗ trợ gạo, tiền ăn hằng tháng thì bố mẹ em đỡ vất vả hơn, em cũng có tiền mua thêm sách vở để học. Mỗi tuần bố mẹ cấp 50 nghìn đồng, em phải chi tiêu dè dặt lắm mới đủ các khoản mua thức ăn hàng ngày và tiền bình ga nấu nướng.

Các em học sinh Trường THCS Lê Lợi tận dụng khoảng đất trống của trường trồng rau  để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Các em học sinh Trường THCS Lê Lợi tận dụng khoảng đất trống của trường trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Thầy Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cho biết, trường có 24 học sinh là con em đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ nhiều năm nay, hoàn cảnh gia đình các em đều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả 24 học sinh này gia đình chỉ có sổ tạm trú, do đó chính sách không đến được với các em. Về phía nhà trường cũng không có khu nội trú nên phải tận dụng 3 phòng tập thể của giáo viên trước đây sửa sang lại để các em ở tạm. Trường cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có sự điều chỉnh về điều kiện sổ hộ khẩu cũng có thể thay bằng sổ tạm trú để những trường hợp như 24 học sinh trên được thụ hưởng chính sách từ Nghị định 116.

Tại điểm Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Đắk Phơi) cũng có 5 học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, có nhà ở cách xa nơi học. Song cũng vì chưa có hộ khẩu nên các em không được hưởng chính sách. Trong khi đó, trường không có phòng để bố trí nơi ở nên các em đành phải xin ở nhờ, ở ghép với một số anh chị tại Trường THCS Lê Lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk cho biết, tất cả các em học sinh chưa được hưởng hỗ trợ đều thuộc gia đình di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc vào, chưa có hộ khẩu thường trú. Phòng đã kiến nghị huyện có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ để các em đến trường đỡ vất vả, khó khăn hơn. Đồng thời cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ và HĐND tỉnh Đắk Lắk xem xét “nới lỏng” quy định về điều kiện bắt buộc có hộ khẩu thường trú thay bằng sổ tạm trú hoặc có những cơ chế đặc thù để chính sách đến được với các em.

UBND xã Đắk Phơi cho biết, hầu hết các trường hợp hiện chưa có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã là đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Có hai nguyên nhân dẫn đến việc các gia đình chưa có hộ khẩu: trước hết do một số hộ mặc dù vào đây sinh sống đã lâu nhưng lại không cắt khẩu ở quê, thứ hai phần lớn các hộ làm nhà trên đất lâm nghiệp nên không đủ điều kiện để được cấp hộ khẩu.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.