Multimedia Đọc Báo in

Đất lạ hóa quê hương

09:49, 26/12/2018

Từ những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, qua con đường giao thương, những người Lào đầu tiên đã đặt chân trên mảnh đất Đắk Lắk và chọn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) làm quê hương thứ hai để định cư, sinh sống. Đến nay cộng đồng người Việt gốc Lào tại đây có khoảng 200 người và cùng chung sống hòa hợp, gắn kết với các dân tộc anh em trên địa bàn trong ngôi nhà đại đoàn kết.

Ông Bun My Lào (64 tuổi), một trong những người gốc Lào thuộc thế hệ thứ hai vẫn còn lưu giữ trong tâm thức những ký ức đẹp về thời thơ ấu khi ông chỉ mới lên năm, lên bảy cùng cha rong ruổi qua những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên săn bắt, thuần dưỡng voi và giao thương với những người Việt hiền hòa, hiếu khách. Theo chân cha mình, khi trưởng thành ông quyết định chọn gắn bó với buôn Trí A trù phú, xinh tươi để lập nghiệp, mưu sinh. Lần lượt các thế hệ con cháu ra đời trên mảnh đất Buôn Đôn huyền thoại. Các con ông như chị Bun Kim Lào, anh Bun Kon Lào cũng se duyên, nên vợ thành chồng với những người anh em dân tộc Kinh, dân tộc Êđê  trên mảnh đất này… Các thế hệ con cháu mang hai dòng máu Việt – Lào là hiện thân, những minh chứng sống động, sợi dây gắn kết thêm mối quan hệ gắn bó, hữu nghị truyền thống vốn có của hai đất nước, hai dân tộc anh em.

Người dân xã Krông Na đến  chung vui với người Việt gốc Lào trong dịp Tết Bunpimay.
Người dân xã Krông Na đến chung vui với người Việt gốc Lào trong dịp Tết Bunpimay.

Du khách thập phương đến tham quan khu du lịch nổi tiếng Buôn Đôn, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của buôn Trí A, cuộc sống sung túc, no ấm của đồng bào gốc Lào phần nào cảm nhận được sự quan tâm đầu tư, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương nơi đây đối với người dân. Luôn tâm niệm xem những người Lào là một thành viên gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, địa phương đã có những đầu tư mạnh mẽ thông qua các Chương trình 135, Chương mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm xá khang trang, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, con em được đến trường. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn giúp nhân dân đầu tư trồng trọt, phát triển chăn nuôi được triển khai kịp thời đã tạo “bệ phóng”, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

“Những người Việt gốc Lào ở buôn Trí A, xa hơn nữa, các thế hệ con cháu, mang hai dòng máu Việt – Lào luôn tâm niệm Việt Nam là quê hương thứ hai để ra sức đoàn kết, gắn bó, cùng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp” - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào xã Krông Na Nang Bun Xổm.

Một việc làm ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương luôn được bà con người Lào ở Krông Na nhắc nhớ, tri ân là đã tạo điều kiện, giúp họ lưu giữ những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình thông qua việc định kỳ tổ chức vui đón Tết truyền thống Bunpimay hằng năm. Trong ngày vui Tết cổ truyền của bà con, các nghi lễ truyền thống của Lào như: hành lễ Phật cầu chúc năm mới, lễ tắm Phật, đắp tháp cát được tái hiện một cách sinh động. Cũng trong ngày vui này, lãnh đạo UBND tỉnh cùng đông đảo các dân tộc anh em trên địa bàn huyện cùng đến chúc mừng, chung vui với bà con người Lào. Sợi dây gắn kết cộng đồng, mối dây tương quan giữa các dân tộc anh em trên địa bàn xã càng khăng khít, bền chặt hơn khi mọi người cùng thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay, cầu chúc may mắn, biểu thị tinh thần đoàn kết.

Nghi thức buộc chỉ tay, cầu chúc may mắn trong năm mới của người Lào.
Nghi thức buộc chỉ tay, cầu chúc may mắn trong năm mới của người Lào.

Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Lào còn được lưu tâm gìn giữ khi  thời gian gần đây Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh đã phối hợp, mời vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ So Chok Su Non Tad (quốc tịch Thái Lan gốc Lào) về địa phương truyền dạy dân nhạc, dân ca, dân vũ cho thanh thiếu niên xã Krông Na. Nhờ vậy, lớp trẻ nhiều em đã biết sử dụng các loại nhạc cụ khèn, sáo gộp, tiêu, đàn hạc, biểu diễn các bài dân ca “Lăm tơi khõng”, “Lăm pu thay” và hát múa những bài dân vũ, dân ca “Loi ka thông”, “Lăm vông Lào”, “Lăm phon xạng” truyền thống. Theo ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh thì việc tổ chức dạy, học nhạc dân gian Lào cho thế hệ trẻ không chỉ thể hiện sự tôn trọng những giá trị văn hóa của người Lào, bổ sung vào kho tàng văn hóa vốn rất đặc sắc của dân tộc ta mà còn là hoạt động ý nghĩa, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ truyền thống, gắn bó giữa hai nước đã được Đảng, Nhà nước dày công vun đắp.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.