Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên sống đẹp

16:04, 30/12/2019

Những năm qua, nhiều thanh niên tại huyện Krông Pắc đã tự tìm kiếm con đường lập thân lập nghiệp, sống đẹp… là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên địa phương noi theo.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan (TP. Hồ Chí Minh) vào năm 2011, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1990, thôn 10, xã Vụ Bổn) đã đi làm cho một số doanh nghiệp nhưng thấy không phù hợp nên năm 2016, anh quyết định về quê tìm con đường lập nghiệp cho bản thân.

Ban đầu, anh đi thu mua bơ, sầu riêng, chanh dây cho một công ty thu mua trái cây trên địa bàn. Sau một thời gian, anh Sơn nhận thấy, tại địa phương đất đai khá cằn cỗi, chủ yếu phát triển các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn… còn các loại cây công nghiệp cho giá trị cao như cà phê, tiêu, sầu riêng không phát triển nhiều. Trong khi đó, theo anh tính toán, giá chanh dây cao nhất là từ 35 – 40 nghìn đồng/kg, thấp nhất có thể xuống 2 – 3 nghìn đồng/kg thì vẫn hòa vốn. Chính vì vậy, anh chọn khởi nghiệp bằng mô hình chanh dây dù mô hình này không còn mới.

Anh Nguyễn Văn Sơn khởi nghiệp với mô hình chanh dây.
Anh Nguyễn Văn Sơn khởi nghiệp với mô hình chanh dây.

Năm 2017, anh Sơn mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để phát triển mô hình chanh dây trên 8,5 sào đất vườn từng trồng điều, bắp, sắn nhưng hiệu quả thấp của gia đình. Sau 6 tháng chanh dây cho thu hoạch và được thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá trung bình 15 nghìn đồng/kg. Năm đầu tiên vườn chanh dây cho thu  200 triệu đồng, thấy hiệu quả hơn so với trồng các loại cây truyền thống trước đó, anh Sơn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 4 sào. Hiện nay, chanh dây của gia đình anh được một số công ty tìm đến đặt hàng.

Khi thấy mô hình chanh dây của anh Sơn cho hiệu quả, nhiều thanh niên trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và được anh giúp đỡ nhiệt tình, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, dựng giàn, giới thiệu nơi thu mua… Đến nay, anh đã hỗ trợ cho 5 thanh niên trồng 5 ha chanh dây. Anh Sơn mong rằng trong tương lai, tại địa phương sẽ thành lập được một hợp tác xã sản xuất chanh dây, xây dựng vùng nguyên liệu rộng 30 ha cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư, tìm hướng đi mới để lập nghiệp, ở huyện Krông Pắc còn có nhiều thanh niên sống vì cộng đồng, dù bận rộn mưu sinh nhưng luôn giành thời gian, công sức giúp đỡ những người khó khăn hơn. Là một trong hai thanh niên được vinh danh là thanh niên sống đẹp của tỉnh tại địa phương, anh Nguyễn Thái An Đông (SN 1987, thôn Tân Thành, xã Ea Kênh), chủ nhiệm Đội thanh niên tình nguyện Ấm áp tình thương (huyện Krông Pắc) nhiều năm liền có đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện.

Đội thanh niên tình nguyện Ấm áp tình thương thành lập năm 2013, với nhiều chuỗi hoạt động nổi bật như: Ấm áp tình thương, Nụ cười trẻ thơ, Trăng yêu thương, Xuân tình nguyện… cho trẻ em và người nghèo. Mới đây Đội tổ chức quỹ “Ươm mầm xanh tương lai” kết nối với các mạnh thường quân tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Hiện, Đội đã trao được 3 chiếc xe đạp (2,5 triệu đồng/xe), dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển quỹ để giúp đỡ được nhiều học sinh trên địa bàn hơn nữa.

Anh Nguyễn Thái An Đông  được tuyên dương là thanh niên sống đẹp 2018. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Thái An Đông được tuyên dương là thanh niên sống đẹp 2018. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong các chương trình thiện nguyện Đội thực hiện, “Ấm áp tình thương” được coi là hoạt động thường niên. Anh Đông cho biết: “Trong vài lần đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, tôi nhìn thấy cảnh người dân bị bệnh hiểm nghèo phải đi khám chữa bệnh thường xuyên khiến kinh tế ngày càng khó khăn. Để giúp đỡ họ, tôi cùng Đội tổ chức chương trình “Ấm áp tình thương” nấu 50 suất cơm vào chủ nhật tuần thứ ba hằng tháng để phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc. Đến nay, Đội tổ chức được 45 chương trình nấu cơm, nhằm giúp những  bệnh nhân khó khăn cảm thấy ấm lòng hơn”.

Các tình nguyện viên tham gia đội hầu hết là học sinh THPT tại địa phương, chính vì vậy, những hoạt động thiện nguyện của đội không chỉ nhằm giúp đỡ trẻ em, người dân nghèo… mà còn giúp các bạn tình nguyện viên có thêm sân chơi lành mạnh bổ ích, có thêm kỹ năng sống và hình thành một lối sống đẹp, vì cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thái An Đông chỉ là hai trong nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu tại huyện Krông Pắc góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên không ngừng phấn đấu lập thân, lập nghiệp và sống không chỉ cho bản thân mình.

Huyện Krông Pắc có 2 thanh niên sống đẹp, 1 thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2018 và 2 tập thể, 3 cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2018) được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tuyên dương.

Nguyễn Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.