Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 2)

10:24, 15/01/2019

[links(left)]

Kỳ 2: Chưa chủ động thoát nghèo

Việc được công nhận hộ nghèo hay xã nghèo mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân và cả địa phương với nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư; chính vì thế, một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí cả chính quyền đã nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không chủ động vươn lên để thoát nghèo.

Tìm cách... được nghèo (!?)

 Với những chính sách hỗ trợ hộ nghèo như xây dựng nhà ở, vốn phát triển kinh tế, mua bảo hiểm y tế, chi trả tiền điện; miễn giảm học phí... nên việc các hộ nghèo không muốn thoát nghèo là thực tế đang diễn ra hiện nay. Để không bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, trong các cuộc họp bình xét hộ nghèo hằng năm, chuyện nhà này xin, nhà kia kiện vì không được nằm trong diện nghèo đã trở thành vấn đề nhức nhối và là rào cản trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Cán bộ điều tra, phúc tra một hộ nghèo tại xã Nam Ka (huyện Lắk).
Cán bộ điều tra, phúc tra một hộ nghèo tại xã Nam Ka (huyện Lắk).

Qua thực tế kiểm tra, phúc tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại một số địa phương cho thấy có tình trạng 2-3 cặp vợ chồng chung sống trong một nhà luân phiên thay nhau nằm trong danh sách hộ nghèo. Đơn cử như trường hợp một hộ ở huyện M’Đrắk gồm hai vợ chồng trẻ và 1 đứa con nhỏ đang sống chung với bố mẹ, cuối năm 2017, khi bố mẹ ra khỏi danh sách hộ nghèo thì đầu năm 2018, vợ chồng người con trở thành hộ nghèo. Trong khi đó, bản thân người con này là một công chức với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng. Hay như trường hợp một hộ dân ở huyện Lắk để được vào danh sách hộ nghèo, hai vợ chồng này đã cho 2 người cháu nhỏ sinh đôi của mình nhập khẩu; đó còn là nhiều hộ ở huyện Krông Bông có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng chỉ qua một vụ mùa thất thu do thiên tai đã nghiễm nhiên nằm trong danh sách hộ nghèo…

Bên cạnh những đối tượng thuộc diện hộ nghèo nhưng thực chất không nghèo thì vẫn có rất nhiều hộ “nghèo bền vững” bởi sự ỷ lại, lười lao động. Đơn cử như vợ chồng anh Y.M. (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) có 5 đứa con, cả nhà chen chúc trong căn nhà ván dột nát tềnh toàng không có tài sản gì. Dẫu vậy, một phần do nhận thức hạn chế, một phần có thói quen trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên đã nhiều lần được nhận hỗ trợ mà gia đình vẫn không chịu làm ăn, mãi chẳng thể thoát nghèo. Ông Ama Bích, một trong những hộ khá giả hiếm hoi ở buôn Kuanh, xã Yang Mao bày tỏ: “Các hộ nghèo ở đây mãi chẳng vươn lên được là do chính bản thân họ. Thói quen lười biếng, có bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu trong khi con cái đông thì làm sao mà cuộc sống khá giả được. Trong khi đó, gia đình nào cũng có đất rẫy nhưng rất ít người chịu khó làm ăn”.

Một hộ nghèo ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn.
Một hộ nghèo ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn.

Thực tế hiện nay có không ít hộ không nghèo nhưng vẫn tìm cách để... được nghèo hay những hộ thực sự không muốn thoát nghèo do vẫn mang nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi như: con đi học được miễn giảm học phí, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn thuế nông nghiệp, vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp; đó là chưa kể đến nhiều chương trình hỗ trợ khác như được cấp cây, con giống, gạo, muối, quà Tết…

Thiếu trách nhiệm và quyết tâm

Không chỉ với hộ dân, mà nếu được công nhận xã nghèo hay huyện nghèo thì địa phương cũng sẽ nhận được nhiều chương trình hỗ trợ với nhiều lợi ích không nhỏ. Đó là kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các chương trình hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, học phí, dạy nghề… Chính vì thế, không chỉ người dân không muốn thoát nghèo mà ngay cả một số địa phương cũng có tâm lý đó.

Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 12,81% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 25,52%). Đắk Lắk đứng thứ 3 cả nước về tổng số hộ nghèo và đứng thứ 14 về tỷ lệ hộ nghèo.

Trong đợt kiểm tra, phúc tra hộ nghèo tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vừa qua, có cán bộ làm công tác giảm nghèo đã thẳng thắn thừa nhận là lãnh đạo xã không muốn địa phương thoát ra khỏi danh sách xã nghèo; có lãnh đạo xã hầu như không nắm tình hình công tác giảm nghèo của địa phương mình, không thể nêu lên được giải pháp để giúp người dân thoát nghèo bền vững… Chính vì thế, dù nguồn kinh phí đầu tư cho các địa phương để thực hiện dự án giảm nghèo hằng năm là rất lớn, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đơn cử như ở huyện Krông Bông, trong năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ giáo dục – đào tạo với số tiền 7,3 tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng gần 9 tỷ đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo gần 1,5 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 và Chương trình 30a hỗ trợ với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng… Tuy nhiên trong năm số hộ nghèo toàn huyện chỉ giảm được 541 hộ (chiếm tỷ lệ 3,12%). Đến thời điểm này, toàn huyện vẫn còn trên 7.145 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 32,9%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 4.400 hộ.

Đầu năm 2018, tỉnh Đắk Lắk có hai huyện là M’Đrắk và Lắk là huyện nghèo được bổ sung theo Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 7-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, huyện M’Đrắk có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,53%, huyện Lắk là 40,58%. Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Ea Trang (huyện M’Đrắk) gần 44%, Nam Ka (huyện Lắk) trên 54,6%... Kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương mới bổ sung năm 2018 cho 2 huyện này trên 8,8 tỷ đồng để thực hiện duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc