Multimedia Đọc Báo in

Chuyện "Dân vận khéo" trong hoạt động ngân hàng chính sách

09:38, 02/02/2019
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện công tác giải ngân nhanh, đúng quy trình và đối tượng, đảm bảo ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng.

Nguồn vốn tăng trưởng hằng năm đã được Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp phân giao nhanh, kịp thời, phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh, đồng thời ưu tiên vốn cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các đối tượng chính sách chưa được vay vốn NHCSXH, vùng bị thiệt hại do thiên tai... Đến nay, vốn NHCSXH đã “phủ sóng” đến tận từng thôn, buôn, những vùng kinh tế - xã hội khó khăn nhất của tỉnh và đang phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầy tính nhân văn này.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra hiệu quả vốn vay phát triển chăn nuôi tại huyện Krông Bông  và Ea Súp
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra hiệu quả vốn vay phát triển chăn nuôi tại huyện Krông Bông và Ea Súp.

Để có được kết quả đó, bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách, một yếu tố “ngoài chuyên môn” mà mỗi cán bộ NHCSXH phải thường xuyên thực hiện là công tác “dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Về lý thuyết, có thể nói không có chương trình tín dụng nào có tỷ lệ rủi ro về vốn cao như tín dụng chính sách xã hội. Với đối tượng khách hàng đặc thù, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế và nhất là các chương trình cho vay đều không phải thế chấp, những điều đó đồng nghĩa với mức độ rủi ro tín dụng gần như là 100%. Cùng với đó, NHCSXH là ngân hàng duy nhất hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng hiện nay, nợ xấu của NHCSXH khi cho người nghèo và đối tượng chính sách đang ở mức thấp.

Có được điều đó, bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, mỗi cán bộ NHCSXH đều luôn nhận thức được việc tuyên truyền, giúp đỡ khách hàng để giải quyết 3 vấn đề: vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả. Nói thì dễ, nhưng trong thực tế, khách hàng của NHCSXH là những đối tượng rất khó khăn, thậm chí là dễ “tổn thương” nhất nên để truyền tải và giải quyết những vấn đề đặt ra đó đòi hỏi mỗi cán bộ phải tận tâm với công việc được giao và nhất là phải có “tâm sáng” mới thực hiện được.

Không chỉ “dân vận” trực tiếp với khách hàng, cán bộ NHCSXH cũng phải khéo léo, phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở từ tổ dân phố đến thôn, buôn. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để “kéo” các tổ chức hội đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm…

Qua thực tế công tác cho thấy, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được nâng lên. Chất lượng ấy không chỉ thể hiện ở những số liệu chuyên môn, quan trọng hơn đó là việc giảm nghèo bền vững ở hội viên đã đạt hiệu quả rất cao. Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Và cũng thật vui khi mỗi cán bộ NHCSXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, đối với xã hội và với người nghèo.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.