Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi làng của người Nùng An trên Tây Nguyên

14:28, 16/03/2019

Làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) có 100% là người Nùng An di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp. Sau hơn 30 năm, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trải qua bao thăng trầm nhưng bà con vẫn gìn giữ được những nếp nhà sàn xưa của dân tộc mình.

Ông Nông Văn Thòn (61 tuổi) là một trong những hộ dân đầu tiên đặt chân đến lập nghiệp tại xã Ea Tam. Ông Thòn cho hay, bà con ở làng Quảng Hòa hầu hết là dân ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng di cư vào đây từ năm 1987. Lúc ấy mảnh đất này còn hoang sơ, cuộc sống của bà con thiếu thốn đủ đường, phải sinh sống trong những căn lán tạm bợ, nhiều hộ trồng lúa để lấy gạo ăn cho cả làng. Trong những lần băng rừng ra chợ xã lân cận, thấy bà con các vùng khá lên nhờ trồng cà phê, một số hộ đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm và mua vài chục cây cà phê về trồng thử. Khi cà phê cho thu hoạch, nhận thấy khí hậu và đất đai nơi đây phù hợp với loại cây trồng này, cho hiệu quả kinh tế cao, bà con bảo nhau dần mở rộng diện tích và trồng xen thêm nhiều loại cây như bơ, hồ tiêu vào vườn cây để nâng cao thu nhập.

Làng Quảng Hòa vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống của người Nùng An.
Làng Quảng Hòa vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống của người Nùng An.

Từ vùng đất hoang sơ, rậm rạp, với sự cần cù chịu khó, những nông dân ở làng Quảng Hòa đã biến nơi đây thành vùng đất trù phú, bạt ngàn màu xanh của cà phê, hồ tiêu, cao su… Nhờ biết học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, đời sống bà con dần được cải thiện, nâng cao. Đến nay, làng Quảng Hòa có 57 hộ với 245 khẩu thì có khoảng 90% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo. Bình quân mỗi hộ đều có từ 2 ha đất trở lên trồng cây công nghiệp xen các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng… thu nhập hằng năm của mỗi hộ đều trên 200 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ anh Hoàng Đình Tân (36 tuổi), có hơn 6 ha đất sản xuất, trong đó có 2,5 ha cao su, còn lại là cà phê xen thêm tiêu, bơ, sầu riêng. Trung bình mỗi năm gia đình anh Tân có thu nhập trên 600 triệu đồng. Hay như gia đình ông Nông Văn Thòn, với 3 ha cà phê xen tiêu, 3 sào lúa, mỗi năm thu nhập được hơn 300 triệu đồng...

Bếp lửa được đặt trong nhà sàn của người dân ở làng Quảng Hòa.
Bếp lửa được đặt trong nhà sàn của người dân ở làng Quảng Hòa.

Kinh tế phát triển nên người dân có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, sẵn sàng góp công sức, tiền của để xây dựng đường bê tông trong làng và đường thông ra xã. Tính đến nay, người dân làng Quảng Hòa đã đóng góp hơn 600 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Tuy cuộc sống đã khá hơn trước, người dân có điều kiện xây nhà khang trang, nhưng người dân làng Quảng Hòa vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống như một cách để hướng về cội nguồn dân tộc. Ông Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cho biết, làng Quảng Hòa có 57 hộ thì có chừng ấy nóc nhà sàn. Những ngôi nhà đều do chính tay bà con trong làng phụ nhau dựng lên theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Nùng An như: nhà dựng 5 gian, 56 cột, cầu thang đi lên, bếp lửa đặt ngay trong nhà... Đối với bà con nơi đây, họ coi nhà sàn là “báu vật” vô giá của dân tộc mình.

Làng Quảng Hòa nằm gọn giữa thung lũng, lưng dựa vào sườn núi. Hai dãy nhà sàn quay mặt vào nhau, giữa làng có con đường nhỏ vắt ngang, những nóc nhà sàn nằm lẩn khuất giữa bạt ngàn cà phê, hồ tiêu...  Nơi đây mang lại cảm giác yên bình, cổ kính mà không phải ngôi làng nào của người Nùng An trên Tây Nguyên cũng có được.

Tháng 10-2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát một số tuyến, điểm du lịch tiềm năng tại huyện Krông Năng. Trong đó, đoàn đã tiến hành khảo sát tiềm năng du lịch văn hóa, homestay tại làng Quảng Hòa - nơi được đánh giá là lưu giữ được rõ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng như: ở nhà sàn bốn mái, mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Nùng An (Cao Bằng), người dân chủ yếu tự cung tự cấp các sản phẩm thịt lợn, gà và các loại rau củ quả giống địa phương…

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.