Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

09:02, 08/04/2019

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát huy nội lực để khởi nghiệp, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công

Với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình, chị Nguyễn Thị Thúy (TDP 5, phường Ea Tam) đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình trồng ổi. Năm 2015, chị Thúy đã quyết định chuyển đổi 2 sào đất trồng mướp kém hiệu quả sang trồng ổi. Chị lựa chọn trồng những giống ổi đang được thị trường ưa chuộng như ổi lê, ổi nữ hoàng, ổi găng. Để việc trồng ổi đạt hiệu quả, chị Thúy đã tích cực lên mạng tìm tòi cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chị không sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mà dùng phân hữu cơ (phân gà, phân dê) và chế phẩm sinh học để chăm bón vườn ổi. Từng quả ổi được bao nilon giúp hạn chế sâu bệnh, ngăn chặn các loại côn trùng phá hoại.

Chị Nguyễn Thị Thúy (TDP 5, phường Ea Tam) giới thiệu sản phẩm ổi đến khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (TDP 5, phường Ea Tam) giới thiệu sản phẩm ổi đến khách hàng.

 Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, sau  8 tháng trồng, vườn ổi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Sản xuất theo hướng sạch nên gia đình chị ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chị xuất ra thị trường từ 30-40 ký ổi. Với giá bán từ 15-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi hơn 60 triệu đồng có nguồn thu nhập ổn định lo cho con cái ăn học. Không chỉ dừng lại ở việc trồng ổi, năm 2017 chị tiếp tục đầu từ trồng thêm 700 gốc mít Thái đến nay đã bắt đầu cho thu bói.

Còn chị Lù Thị Hạnh (thôn 1, xã Hòa Phú) lại khởi nghiệp bằng việc kinh doanh đặc sản truyền thống của người Thái là thịt trâu, bò gác bếp và rượu nếp. Mới đầu, sản phẩm của chị chỉ phục vụ những người thân và bạn bè trên địa bàn thành phố. Sau khi nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, chị bắt đầu rao bán trên mạng, giới thiệu sản phẩm tại các buổi hội chợ, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp. Nhờ đó, sau hơn 4 năm bắt tay vào làm nghề này, các sản phẩm của chị đã được khách hàng gần xa biết đến, thậm chí đôi lúc "cháy hàng" vì không làm kịp, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Trung bình mỗi tháng, chị Hạnh xuất bán khoảng 1 tạ thịt trâu, bò gác bếp cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Tây. Chị Hạnh cho biết: “Công việc này không chỉ giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với tất cả mọi người”. Trong thời gian tới, chị Hạnh sẽ  đầu tư nhà xưởng, máy móc để việc sản xuất được thuận lợi hơn; đồng thời liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Không chỉ chị Thúy, chị Hạnh mà còn có rất nhiều phụ nữ trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công, như các chị: Nguyễn Thị Vân (phường Ea Tam) với mô hình bưởi da xanh, quýt đường; chị Trần Thị Hồng (phường Tân Tiến) với mô hình tinh bột nghệ, tinh bột gừng, tinh dầu nghệ; chị Bùi Thị Lệ (phường Tân Lập) với mô hình cơ sở sản xuất bún khô… Các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho chị em.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang được Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau như: hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật; tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo kiến thức về khởi nghiệp cho hội viên; quảng bá thương hiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ… Bên cạnh đó, Hội còn có nhiều cách làm hay, mô hình mới nhằm trợ giúp hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Chị Lù Thị Hạnh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình tại Hội chợ sản phẩm xanh - Kinh tế xanh do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.
Chị Lù Thị Hạnh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình tại Hội chợ sản phẩm xanh - Kinh tế xanh do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.

Đơn cử, năm 2018 Hội đã tổ chức thành công “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”, qua đó đã giới thiệu kết nối, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp cho nhiều hội viên, phụ nữ; ký kết với Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội doanh nhân tỉnh, Công ty tư vấn thuế SAF về hỗ trợ thủ tục thành lập, miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ khởi nghiệp và làm chủ. Đặc biệt, Hội đã ra mắt mô hình “Hội quán phụ nữ khởi nghiệp", thu hút 32 chị là thành viên Câu lạc bộ nữ doanh nhân thành phố, các hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tham gia để cùng nhau giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, tư vấn về khởi sự kinh doanh, tìm kiếm vốn và kết nối thị thường tiêu thụ sản phẩm...

Chị Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, trong năm 2018, Hội đã hỗ trợ thủ tục pháp lý cho 6 mô hình khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cửa hàng an toàn thực phẩm, cơ sở tư thục mầm non; thành lập 1 cửa hàng 3 sạch và xây dựng 3 mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp; kết nối sản phẩm đầu ra cho 28 sản phẩm khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tiêu thụ tại 25 doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống; hỗ trợ 5 hội viên, phụ nữ giới thiệu “Sản phẩm hồng” trên Báo Phụ nữ Việt Nam để quảng bá, kết nối sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh…

Trong năm 2018, từ các nguồn lực hỗ trợ Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 1 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 88 hội viên phụ nữ, với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.