TP. Buôn Ma Thuột sẽ không còn thiếu nước sinh hoạt
Dù đang ở cao điểm mùa khô nhưng hàng nghìn hộ dân TP. Buôn Ma Thuột vẫn được cung cấp nước máy khá ổn định và chưa áp dụng lịch cắt nước luân phiên như những năm trước.
TP. Buôn Ma Thuột hiện có gần 61 nghìn hộ tại 13 phường và 4 xã đang sử dụng nguồn nước máy do Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cung ứng. Những năm trước đây, do nguồn nước ngầm thiếu hụt nghiêm trọng vào thời điểm mùa khô và đầu mùa mưa, công ty phải thực hiện lịch cắt nước luân phiên để đảm bảo lưu lượng và áp lực nước trong mạng lưới. Thời điểm cắt nước luân phiên thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng 8 hằng năm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày của người dân.
Về phía công ty cũng gặp không ít khó khăn vì phải tăng cường nhân lực vận hành, quản lý, đặc biệt là phải tăng cường xe bồn tiếp nước hỗ trợ các hộ dân khu vực cuối hệ thống đường ống hoặc địa hình cao, không lấy đủ nước sinh hoạt.
Cán bộ kỹ thuật lấy mẫu nước sau khi qua bể lọc tại Nhà máy xử lý nước Đạt Lý. |
Anh Trần Tiến Thọ, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, bài toán thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt cho TP. Buôn Ma Thuột đã được phía công ty tìm kiếm lời giải từ 10 năm trước. Khi ấy, công ty chủ yếu khai thác từ các giếng ngầm và mạch xuất lộ, nhưng mực nước mỗi năm đều giảm mạnh do nước ngầm xuống thấp. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa khiến cho số lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng nước máy ngày càng tăng.
Năm 2015, công ty đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước mặt hồ Ea Cuôr Káp với công suất 7.000 m3/ngày đêm. Cuối năm 2018, Nhà máy xử lý nước Đạt Lý với công suất 5.000 m3/ngày đêm cũng được đưa vào hoạt động. Nhờ nguồn nước ổn định từ hai nhà máy xử lý nước mặt này, lượng nước sinh hoạt thiếu hụt trong hệ thống không nhiều như mọi năm.
Công ty hiện đang duy trì cung ứng 46.000 m3/ngày đêm cho toàn thành phố, chỉ thiếu hụt khoảng hơn 5.000 m3/ngày đêm và không phải áp dụng lịch điều tiết nước. Song, lượng thiếu hụt này vẫn đang gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số điểm cuối đường ống trong nội thành hoặc địa hình cao như khu vực thôn 8, đường A4, A7 (xã Cư Êbur)...
Xét nghiệm lượng Clo trong nước máy tại Nhà máy xử lý nước Đạt Lý. |
Nhắc lại mùa cắt nước luân phiên năm ngoái, chị Trần Thị Hoàn (tổ dân phố 9, phường Tân An) cho hay, nhà chị nằm ở cuối hệ thống đường ống, địa hình cao hơn so với các hộ dân trong khu vực nên áp lực nước rất yếu, thường phải chờ đến đêm khuya ngày có nước mới bơm được lên bồn để dự trữ cho ngày hôm sau. Nhà đông người, chị sử dụng bồn chứa 1 nghìn lít vẫn không đủ nước dùng dù đã rất tiết kiệm. Năm nay, chị rất phấn khởi vì không bị cắt nước và hoàn toàn sử dựng trực tiếp từ vòi, không cần dùng đến máy bơm như mọi năm.
Còn anh Nguyễn Ngọc Khoa (buôn Đung, xã Cư Êbur) đã quá quen với việc hầu như không thể sử dụng nước máy trong thời gian cắt nước luân phiên, phải sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt hằng ngày. Năm nay, mặc dù vẫn bị hụt nước trong giờ cao điểm do địa hình cao, các khoảng thời gian còn lại trong ngày, anh vẫn có thể tranh thủ lấy nước máy từ vòi để sử dụng.
“Tình trạng thiếu nước cục bộ sẽ được giải quyết triệt để”, đó là khẳng định của Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk Nguyễn Khắc Dần. Ông Dần cho hay, Nhà máy xử lý nước mặt sông Sêrêpốk với công suất 35.000 m3/ngày đêm đang được chạy thử nghiệm, súc rửa đường ống và gửi mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu trong nước theo quy định để hòa vào mạng lưới nước máy của TP. Buôn Ma Thuột trong đầu tháng 5 năm nay.
Ngoài ra, dự án khai thác mỏ nước tại xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) do Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột đầu tư xây dựng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện với công suất dự kiến cung cấp cho TP. Buôn Ma Thuột từ 10.000 – 15.000 m3/ngày đêm. Như vậy, tổng công suất các nguồn khai thác, xử lý nước mặt và nước ngầm sẽ đủ cung ứng ổn định cho toàn TP. Buôn Ma Thuột trong 10 năm tới mà không lo thiếu hụt như trước đây.
Khi Nhà máy xử lý nước mặt sông Sêrêpốk đưa vào vận hành khai thác, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk sẽ mở rộng mạng lưới đến 4 xã còn lại của TP. Buôn Ma Thuột là Hòa Phú, Hòa Khánh, Hòa Xuân và Ea Kao. Dự kiến, công ty sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 14 nghìn hộ tại các xã này với tổng công suất tiêu thụ khoảng 8.000 m3/ngày đêm. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc