Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Cần sự chủ động từ cả hai phía

09:00, 29/05/2019

Thời gian qua, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là vấn đề luôn được các cấp, ngành quan tâm nhằm phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nhận thức của cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động, gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác ATVSLĐ .

Vẫn còn xem nhẹ công tác ATVSLĐ

Để phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định và lâu dài, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng, quan tâm đến công tác bảo đảm môi trường làm việc vệ sinh, an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra của cơ quan chức năng vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm và vi phạm các quy định pháp luật về ATVSLĐ.

Đơn cử như ở Công ty TNHH May công nghiệp M.T (TP. Buôn Ma Thuột) có gần 80 lao động đang làm việc, nhưng khi hỏi đến công tác huấn luyện ATVSLĐ thì chủ doanh nghiệp không biết, không hiểu vấn đề này là gì và phải làm như thế nào. Trong khi đó, huấn luyện ATVSLĐ là một trong những nội dung bắt buộc của công tác bảo hộ lao động, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất. Không những thế, đơn vị này còn không hề biết đến việc phải thành lập tổ chức công đoàn, không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chưa đánh giá và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc… Song song đó, những công nhân làm việc ở đây dù được trang bị bảo hộ lao động là áo đồng phục, khẩu trang nhưng lại không dùng khi làm việc.

Công nhân làm việc không có bảo hộ lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Công nhân làm việc không có bảo hộ lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Hay như ở Công ty TNHH Vận tải A.P cũng vi phạm nhiều nội dung như không huấn luyện ATVSLĐ; không có phương án kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; không báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động; không thực hiện quan trắc môi trường làm việc... Theo lãnh đạo Công ty, đơn vị đã cố gắng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, trang thiết bị làm việc nhưng vẫn có rất nhiều người lao động không tuân thủ nghiêm túc theo quy định mà chỉ thực hiện theo kiểu đối phó khi có cán bộ, lãnh đạo Công ty đến kiểm tra.

 
“Khi cả chủ doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc thì sẽ phần nào hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng như tạo sự gắn kết, nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững”.
 
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP. Buôn Ma Thuột

Theo ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả người lao động chưa nhận thức đúng và đầy đủ vấn đề ATVSLĐ mà vẫn còn mang tính đối phó; thiếu kiến thức để đánh giá, nhận biết các mối nguy hiểm trong quá trình làm việc. Trong đó, doanh nghiệp thường vi phạm các nội dung: chưa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang cấp bảo hộ lao động; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ; chưa kiểm soát môi trường làm việc… Về phía người lao động thì thiếu ý thức chấp hành nội quy về ATVSLĐ với lý do vướng víu, khó chịu; đồng thời, chủ quan trong thực hiện quy trình vận hành máy, thiết bị tại nơi làm việc, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Phải thay đổi nhận thức

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.463 doanh nghiệp đang hoạt động và 756 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động theo hình thức thành lập chi nhánh. Các doanh nghiệp này đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người lao động, ngoài các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật liên quan, hằng năm các đơn vị, ban, ngành liên quan đã phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra công tác bảo đảm ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm tra chỉ như “muối bỏ biển” vì số lượng doanh nghiệp lên đến hàng nghìn trong khi đó mỗi năm các đoàn đi kiểm tra ATVSLĐ chỉ vài chục đơn vị.

Lao động làm việc tại một công ty may công nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Lao động làm việc tại một công ty may công nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ngày càng nhiều, trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra và cán bộ theo dõi lĩnh vực này của các ngành, các cấp còn quá mỏng nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đơn vị này gặp không ít khó khăn. Do đó, việc làm cấp thiết hiện nay là nâng cao sự hiểu biết của người lao động và thay đổi nhận thức, dẫn đến thay đổi hành vi của chủ sử dụng lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp ngoài việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật thì cần xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại đơn vị; xây dựng nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị trong quá trình lao động, sản xuất kinh doanh; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; đặc biệt, cần có giải pháp áp dụng chế tài với những lao động vi phạm các quy định về ATVSLĐ… Đối với người trực tiếp lao động phải ý thức hơn trong việc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc để phòng tránh nguy cơ xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.