Multimedia Đọc Báo in

Hãy cho trẻ một mùa hè đúng nghĩa

09:00, 29/05/2019

Ngay khi các trường chưa tổng kết năm học, nhiều phụ huynh đã lập sẵn danh sách các môn học cho con vào mùa hè như học tiếng Anh, bồi dưỡng Toán, Ngữ văn… rồi đắn đo suy nghĩ nên cho con học ở trung tâm hay theo học giáo viên riêng sẽ tốt hơn.v.v...

Cấp tiểu học, thậm chí những trẻ chuẩn bị lên lớp 1 cũng bị phụ huynh cho vào “lò” đào tạo trong mùa hè. Chị Nguyễn Thị Thương (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) có một bé trai 6 tuổi, hết hè này sẽ vào lớp 1, nhưng từ khi chưa nghỉ hè chị đã sắm sách, vở, bút… để dạy cho con trong 3 tháng hè. Chị Hương chia sẻ, bây giờ dạy con học đã là trễ rồi chứ nhiều bạn học cùng lớp với con chị đã biết viết chữ, đếm số... Giờ không dạy con, đến khi vào lớp 1 mà không biết chữ sẽ thua thiệt so với chúng bạn.

Học kỳ quân đội, một sân chơi bổ ích trong dịp hè cho học sinh.   Ảnh: V.Anh
Học kỳ quân đội, một sân chơi bổ ích trong dịp hè cho học sinh. Ảnh: V.Anh

Nhiều phụ huynh có con học mầm non cũng than vãn, khi bé nghỉ hè, ông bà nội, ngoại ở xa, không có chỗ gửi con để đi làm nên phải tìm khóa học hè hoặc cơ sở nào gửi trẻ. Kỳ nghỉ hè của con bỗng chốc trở thành một “nỗi lo” của nhiều gia đình. Nhiều nhà có thể gửi các con sang nhà ông bà hoặc người quen. Tuy nhiên, với những gia đình không có người thân ở gần, bố mẹ đành phải để con trẻ ở nhà một mình dù không khỏi lo lắng. Bởi không có sự giám sát và kiểm soát của người lớn, các con rất dễ tự gây tổn hại cho bản thân hoặc phí thời gian vào những việc vô bổ như xem tivi quá nhiều, tham gia vào những trò chơi bạo lực, lạm dụng các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính bảng… Bên cạnh đó, tâm lý lo sợ con trẻ sẽ quên chữ khi ngày hè không đụng vào sách vở hoặc muốn cho con học trước kiến thức để vào năm học không bị bỡ ngỡ... của các bậc phụ huynh vô tình đã biến mùa hè của con thành “học kỳ 3”.

 
“Phụ huynh hãy để cho con phát triển đúng khả năng cốt lõi của chúng. Phụ huynh cần dành thời gian vui chơi và trò chuyện cùng con, hãy quan sát con nhiều hơn, để hiểu con và cho chúng phát triển theo đúng các quy luật tự nhiên”.
 
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển kỹ năng Tây Nguyên Tanavi Dương Thị Thu Hiền

Bà Dương Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển kỹ năng Tây Nguyên Tanavi cho hay, việc mùa hè trở thành “học kỳ 3” xuất phát từ hai nguyên do, thứ nhất do phụ huynh quá bận bịu với việc mưu sinh, không có thời gian đồng hành vui chơi cùng con; thứ 2 là áp lực về thành tích học tập, phụ huynh sợ mùa hè trẻ nghỉ học nhiều sẽ mất kiến thức, thua bạn bè...

Tuy nhiên, phụ huynh không nghĩ rằng, thời gian 3 tháng hè hay 1 năm không đủ để con học tốt hơn, mà nó phải là kết quả của một quá trình dài trau dồi và rèn luyện. Nếu cho trẻ học nhiều, học trước chương trình mà không có thời gian thư giãn, vui chơi và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm khác nhau sẽ khiến trẻ ức chế tinh thần, não bộ không được nghỉ ngơi sẽ không thể hiện được sự sáng tạo.

Vậy nên vào những ngày hè, tốt nhất phụ huynh cần tập trung cho con tham gia những lớp học liên quan đến năng khiếu; những hoạt động ngoài trời, giao tiếp xã hội thông qua việc đi du lịch cùng gia đình; về thăm chơi với ông bà ở quê để tận hưởng không khí trong lành, trải nghiệm ruộng vườn, đồng nội; hoặc có thể tham gia các hoạt động kỹ năng sống ngắn ngày, dài ngày để trẻ có không gian vui chơi sáng tạo, đồng thời hình thành tổng quan kiến thức chung....

Nhiều trẻ trải qua kỳ nghỉ hè của mình trong các trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: K.Lê
Nhiều trẻ trải qua kỳ nghỉ hè của mình trong các trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: K.Lê

Tất cả điều đó sẽ giúp trẻ mở rộng được tư duy trên diện rộng và phát triển được kiến thức tổng thể, giúp trẻ nâng cao các kỹ năng khác nhau, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tự học, tính độc lập tự chủ. Từ đó, trẻ sẽ có một tâm thế sẵn sàng bước vào một năm học mới độc lập, tự tin hơn và tràn đầy năng lượng sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong học tập. Việc ôn tập hay bồi dưỡng các môn học yếu cũng cần thiết nhưng chỉ bố trí trong khoảng thời gian nhất định.

Khả Lê - Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.