Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa những mô hình từ thiện

08:09, 16/05/2019

Thời gian qua, nhiều mô hình hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, cá nhân đã thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo người dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng...

Đã thành thói quen, mỗi lần mang lúa đi xay xát, chị Võ Thị Danh ở thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếk (huyện Krông Pắc) lại bớt một ít cho vào “Hũ gạo tình thương” được đặt ở đây ở tiệm xay xát trong thôn. Chị Danh chia sẻ: “Quen rồi, mỗi người bỏ vào đây một ít, góp lại sẽ được số gạo lớn để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn". Theo chị Lê Thị Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Knuếk, mô hình “Hũ gạo tình thương” đặt tại các cơ sở xay xát được phát động từ giữa tháng 5-2017 và được đông đảo người dân trên địa bàn ủng hộ. Đặc biệt nhân các dịp lễ, tết, một số cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều cho mô hình. Điển hình như trong dịp Tết 2018 vừa qua, anh Phạm Văn Lân tặng 50 kg gạo, chị Nguyễn Thị Dung tặng 400 kg gạo...

Chị Võ Thị Danh (bên phải) cho gạo ủng hộ vào “Hũ gạo tình thương”.
Chị Võ Thị Danh (bên phải) cho gạo ủng hộ vào “Hũ gạo tình thương”.

Chị Trần Thị Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc cho biết, mô hình “Hũ gạo tình thương” đặt tại các cơ sở xay xát không chỉ giúp đỡ, chia sẻ với chị em nghèo vơi bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống mà còn thể hiện tình đoàn kết, lòng nhân ái trong cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Từ năm 2018 đến nay, mô hình “Hũ gạo tình thương” huyện Krông Pắc đã vận động được hơn 1,5 tấn gạo, hỗ trợ thường xuyên cho hơn 40 hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar, đều đặn thứ 3 và thứ 6 hằng tuần, các tình nguyện viên của mô hình “Bếp ăn tình thương” lại có mặt và tất bật chuẩn bị những suất ăn miễn phí phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chị Nguyễn Hương, tình nguyện viên “Bếp ăn tình thương” tâm sự: “Tuy phải thức dậy sớm, đôi lúc rất mệt nhưng nghĩ đến niềm vui của những bệnh nhân nghèo khi nhận những suất ăn đủ dinh dưỡng, những ly sữa, phích nước sôi miễn phí… khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc...”.

 
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác nhân đạo, tích cực vận động các nhà hảo tâm nhân rộng những mô hình từ thiện, bảo đảm cho hoạt động xã hội ý nghĩa này được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng".
 
Bà Nguyễn Thị Phi Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Bà Phan Thị Hoa, Tổ trưởng mô hình “Bếp ăn tình thương” cho biết, mô hình này bắt nguồn từ chương trình “Nồi cháo tình thương” vào năm 2009 do Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar thành lập. Thời gian đầu, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực nhưng với tâm huyết, lòng nhiệt tình của các tình nguyện viên cùng với sự chung tay giúp đỡ của các ban, ngành và những tấm lòng nhân ái, mô hình được duy trì và hoạt động hiệu quả. Tính đến tháng 12-2018, “Bếp ăn tình thương” đã tổ chức được 333 lần phục vụ bệnh nhân điều trị tại bệnh viện huyện, hỗ trợ trên 35.770 lượt người bệnh suất ăn, sữa và trên 35.770 phích nước sôi miễn phí, trị giá trên gần 530 triệu đồng…

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tính từ năm 2017 đến nay, các mô hình từ thiện, nhân đạo trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ cho gần 68.000 lượt người với tổng trị giá hơn 9,3 tỷ đồng. Bên cạnh những mô hình hoạt động mang lại hiệu quả tích cực như: “Dĩa cơm trên tường”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng tiền nhân đạo”…, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia và hình thành các mô hình từ thiện, nhân đạo mới như: “Bữa cơm xã hội”, “Bữa cơm đại ngàn”, “Mô hình trợ táng”…, qua đó từng bước góp phần thiết thực chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh...

Bên cạnh việc tổ chức nấu ăn miễn phí, các thành viên của mô hình “Bếp ăn tình thương” thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện ủng hộ bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa huyện Cư M’gar.
Bên cạnh việc tổ chức nấu ăn miễn phí, các thành viên của mô hình “Bếp ăn tình thương” thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện ủng hộ bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa huyện Cư M’gar.

Theo bà Nguyễn Thị Phi Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hoạt động của các mô hình nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, giúp đỡ hàng ngàn lượt người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, qua đó khơi gợi, phát huy tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.