Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ: Biết bơi vẫn chưa đủ

08:47, 17/05/2019

Mỗi khi hè đến, tai nạn đuối nước luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Vấn đề sống sót dưới nước không chỉ cần mỗi kỹ năng bơi, mà cần trang bị cho trẻ thêm những kỹ năng phòng chống đuối nước khác...

Trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều cơ sở dạy bơi cho trẻ. Thông thường mỗi lớp dạy khoảng 20 buổi là trẻ đã có thể biết bơi. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa đủ, nhiều phụ huynh còn có nhu cầu đưa con tới học thêm về các lớp nâng cao về kỹ năng sơ, cấp cứu, cách ứng xử khi gặp người bị đuối nước...

Là công chức Nhà nước với thời gian làm việc chặt chẽ, nhưng chị Trương Mỹ Trang (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn thu xếp thời gian đều đặn chở con mình đến lớp học bơi tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Chị Trang chia sẻ: “Con gái tôi đã 12 tuổi rồi mà chưa biết bơi, nghe nhiều thông tin về tình trạng đuối nước cũng sợ nên tôi đưa cháu đến học để phòng thân và thêm kiến thức”. Cùng suy nghĩ như chị Trang, anh Phan Mậu Hiếu (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, anh đã cho con mình học đến khóa thứ 2, phần vì muốn cho cháu bơi thành thạo hơn, phần vì muốn cho cháu học thêm kỹ năng ứng phó với đuối nước.

Một buổi học bơi của các em tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.
Một buổi học bơi của các em tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.

Đã có thời gian gắn bó với việc dạy bơi lội cho trẻ em nhiều năm, thầy Nguyễn Công Dương, huấn luyện viên bơi tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết, mỗi năm hồ bơi tại đây thu hút gần 400 em từ 7 - 15 tuổi đến học. Thông qua các lớp phổ cập bơi này, các em được trang bị kiến thức, lý thuyết cơ bản về các kỹ thuật bơi. Tuy nhiên, trẻ và ba mẹ cần hiểu rằng, biết bơi phổ cập chỉ giúp trẻ tự bảo vệ khi gặp sự cố chứ chưa thể cứu ai được. Do đó, trẻ phải được học và tập luyện những kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, các phương pháp cứu đuối, sơ, cấp cứu người bị nạn, kiến thức an toàn dưới nước.

Ngoài ra còn cần tập cho các em kỹ năng khi đuối nước hay thấy người khác đuối nước để phòng tránh. “Khi gặp bạn đuối nước, các em phải hô to cho mọi người xung quanh biết để cứu bạn; tận dụng hết cây, sào, gậy, can nhựa để quăng cho bạn; trong trường hợp biết bơi thì các em cần biết kỹ năng lặn và tiếp cận bạn từ sau lưng để tránh bạn hoảng ôm bám gây nguy hiểm cho mình, sau đó kéo bạn vào mình rồi bơi ngửa vào bờ”, thầy Dương chia sẻ kinh nghiệm.

 
"Nhiều trường hợp trẻ vì nghĩ “mình biết bơi” nên khi thấy bạn bị đuối, trẻ chỉ phản ứng đơn giản là nhảy xuống cứu bạn. Đó là một trong những lý do khiến nhiều trẻ em tắm sông cùng gặp nạn một lượt vì các em không tự lượng sức mình, không biết cách cứu đuối".
 
Huấn luyện viên bơi lội Nguyễn Công Dương, Nhà Văn hóa Thanh Thiếu nhi tỉnh

Cùng với công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ em, việc phổ biến kiến thức và thực hành bơi lội trong trường học cũng được triển khai rộng khắp. Tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), ngoài việc dạy bơi cho các em thì hằng năm, nhà trường luôn tạo sân chơi bổ ích thông qua Giải bơi lội Hoàng Việt để tạo sự hứng thú và hưng phấn cho học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Hào, giáo viên bộ môn bơi lội của trường chia sẻ: “Việc kích thích tinh thần học bơi ở các em là thật sự cần thiết, tôi tin rằng nếu bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường thì tỷ lệ trẻ bị đuối nước sẽ giảm rất đáng kể”.

Không có nhiều nơi dạy bơi cho trẻ em như ở thành phố, tại các vùng nông thôn, nhiều trường học cũng đã chủ động xây dựng hồ bơi để dạy cho học sinh. Như năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (thị xã Buôn Hồ) đã tiến hành đưa vào sử dụng hồ bơi với diện tích khoảng 200 m2. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù là trường thuộc khu vực thị xã, nhưng thực tế, từ trước đến nay học sinh chưa có điều kiện tiếp cận bể bơi an toàn. Tuy điều kiện luyện tập chưa đầy đủ, chưa có bể bơi đạt tiêu chuẩn nhưng từ khi hồ bơi của trường đưa vào hoạt động cũng đã giúp các em nhỏ có được những kỹ năng cơ bản để phòng, chống đuối nước.

Các em học sinh trong Giải bơi lội Hoàng Việt do Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt tổ chức.
Các em học sinh trong Giải bơi lội Hoàng Việt do Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt tổ chức.

Thiếu kỹ năng khi bơi lội là một phần nguyên nhân dẫn đến các tình trạng đuối nước trong thời gian qua. Chính vì vậy việc biết bơi là chưa đủ, quan trọng hơn trẻ phải có kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước. Đăc biệt, phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm quản lý, không để con trẻ tự tắm sông, tắm biển mà không có người lớn giám sát.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.