Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm, sẻ chia với người lao động

08:58, 27/05/2019
Để người lao động toàn tâm toàn ý gắn bó với công việc, các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn ngày càng quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm “níu chân” người lao động.

Gia cảnh chị Hồ Thị Ngoan, giáo viên Trường Tiểu học Ama Jhao (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) càng thêm khó khăn, túng thiếu khi năm 2013, chị phát hiện mình bị bệnh ung thư vú. Gia đình đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa chị đi phẫu thuật tại TP. Hồ Chí Minh hai lần với chi phí gần 100 triệu đồng. Khi bệnh tình dần thuyên giảm thì đến tháng 9-2018, căn bệnh hẹp van tim tái phát khiến chị đột quỵ và bị liệt nửa người, không đi lại được. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình, chi phí thuốc men cho chị đều trông cả vào đồng lương của chồng (là nhân viên Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên).

Chia sẻ khó khăn đó, Công đoàn cơ sở nhà trường đã kêu gọi, vận động đoàn viên, giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã Cư Bao đóng góp được 12 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị. Đặc biệt, nhân dịp Tháng công nhân và Tháng an toàn vệ sinh lao động (tháng 5-2019), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, trao tặng chị 1 suất quà trị giá 1,6 triệu đồng. Chị Ngoan tâm sự: “Chính sự quan tâm và tình cảm sẻ chia của tổ chức Công đoàn, đoàn viên, đồng nghiệp đã giúp tôi có thêm niềm tin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Đại diện LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho chị Hồ Thị Ngoan, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Ama Jhao thuộc LĐLĐ thị xã Buôn Hồ.
Đại diện LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho chị Hồ Thị Ngoan, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Ama Jhao thuộc LĐLĐ thị xã Buôn Hồ.

Không chỉ các đơn vị, cơ quan nhà nước mà các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng dành sự quan tâm, chăm lo đãi ngộ người lao động với những chính sách ngày càng thỏa đáng. Chị Lương Thị Đủ nhà ở tỉnh Khánh Hòa, lên Đắk Lắk làm công nhân đóng gói sản phẩm tại Nhà máy chế biến Cà phê Trung Nguyên (Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) hơn 18 năm nhưng chưa từng phải thuê nhà trọ vì được bố trí ở trong khu tập thể.

“Làm việc ở đây, tôi được công ty lo chỗ ở, điện, nước sử dụng miễn phí; được hỗ trợ một bữa ăn trưa hoặc tối tùy ca làm và khám sức khỏe định kỳ. Mỗi tháng, công nhân như chúng tôi cũng dành dụm được khoảng 4 - 5 triệu đồng gửi về nhà lo cho con cái ăn học. Ngoài ra cuối năm chúng tôi còn được hưởng lương tháng 13 và thưởng theo mức bình bầu lao động, hỗ trợ tiền vé xe về quê ăn Tết... nên ai cũng yên tâm gắn bó với công việc”, chị Đủ chia sẻ.

 

Dẫu biết tìm việc làm rất khó khăn nhưng lao động là người làm thuê ăn lương nên nơi nào coi trọng mình, có chính sách chăm lo, đãi ngộ tốt thì họ sẽ gắn bó lâu dài vì sự phát triển của doanh nghiệp”.

 
Chị Lương Thị Đủ, công nhân Nhà máy chế biến Cà phê Trung Nguyên

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh cho biết: Để giữ chân người lao động và thu hút công nhân lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động thông qua việc xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở với thủ trưởng cơ quan, ký kết thỏa ước lao động tập thể và tổ chức hội nghị người lao động với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động về chế độ lương, thưởng, thời giờ nghỉ ngơi, tham quan, du lịch, học tập nâng cao tay nghề, thăm hỏi, hỗ trợ khi ốm đau, hoạn nạn…

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí, đoàn phí công đoàn và tiết kiệm chi tiêu, các đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hướng về người lao động. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, Chương trình “Tết sum vầy” năm 2018 và năm 2019 đã trao tặng trên 26.200 suất quà, trị giá hơn 8,4 tỷ đồng và hỗ trợ gần 500 vé xe cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động về quê đón Tết.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty TNHH May Tây Nguyên.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty TNHH May Tây Nguyên.

Những công nhân lao động khó khăn về nhà ở còn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở từ quỹ Mái ấm công đoàn với số lượng trung bình từ 100 – 120 căn nhà/năm. Nhiều công đoàn cơ sở đã quan tâm tổ chức hội thao, giao lưu văn hóa văn nghệ, tuyên truyền, đối thoại, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật lao động, các hoạt động “Cảm ơn người lao động”, “Tôn vinh người lao động”, diễn đàn “Nghe công nhân nói – Nói công nhân nghe”, chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, “Quầy hàng dành cho công nhân”...

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.