09:59, 21/06/2019
Trong buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam vào chiều ngày 19-6 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019), cùng với việc khẳng định vai trò to lớn của báo chí trong tiến trình phát triển của đất nước, của xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: báo chí phải thực hiện sứ mệnh mới, đó là đấu tranh chống lại tin giả, tin xấu, độc.
Có thể nói, đó là vấn đề mang tính cấp thiết trong thời đại bùng nổ mạng xã hội (MXH). Truyền thông xã hội đã trở thành một phần tất yếu không thể tách rời của cuộc sống hiện đại nhưng làm sao để lĩnh vực này phục vụ cho sự phát triển vẫn đang là vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý. Hiện cả nước có 48 triệu tài khoản Facebook và gần 60 triệu tài khoản thuê bao Internet, nghĩa là lượng người thường xuyên tiếp cận thông tin trên MXH chiếm tỷ lệ khá lớn, mà thông tin trên mạng thì mênh mông, thật giả lẫn lộn, khó kiểm chứng, người dùng không tỉnh táo dễ bị sa vào những thông tin vô bổ, sai lệch, độc hại. Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, 2 nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất hiện nay về MXH tại Việt Nam là Google và Facebook.
Những năm trước vẫn tồn tại tình trạng nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên YouTube do Google quản lý vận hành được đính kèm những clip có nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Facebook có vô số tài khoản giả mạo cá nhân, đưa tin thất thiệt, chứa nhiều tài khoản quảng cáo bất hợp pháp… Trong khi đó, về phía người dân, có một thực tế là vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được MXH và báo chí, cứ mặc nhiên coi tin trên MXH cũng là tin báo chí! Về phía cơ quan báo chí thì chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để MXH chi phối hay chạy theo thông tin MXH, không kiểm chứng, dẫn đến sai phạm đáng tiếc.
|
Phóng viên phỏng vấn cử tri tại xã Bông Krang, huyện Lắk. Ảnh: X. Trường |
Trong bối cảnh đó, việc siết chặt quản lý thông tin mạng, chống tin giả, tin độc, xấu đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Về phía cơ quan quản lý, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã làm việc quyết liệt với Google và Facebook, để nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải hợp tác, sẵn sàng ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam theo yêu cầu. Từ khoảng giữa năm 2018, hàng nghìn video clip xấu độc, đường link có vi phạm, tài khoản giả mạo, tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và 18 kênh đã bị gỡ bỏ.
Theo Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do, để xiết chặt quản lý MXH, điều quan trọng hiện nay là phải biến môi trường mạng thành môi trường thật, tức là những người tham gia MXH phải được định danh. Cơ quan này đang tiếp tục làm việc quyết liệt với 2 nhà cung cấp dịch vụ MXH, yêu cầu họ phải tìm các giải pháp làm sao định danh người dùng, qua đó quản lý tốt hơn các nội dung đăng tải trên MXH.
Về phía người dân, theo ý kiến các chuyên gia truyền thông, cùng với việc thực thi Luật An ninh mạng, cần chú trọng công tác truyền thông về quyền, nghĩa vụ cũng như sự tỉnh táo của người tham gia MXH. Rõ ràng, với việc dễ dàng thiết lập các trang, các kênh, đưa thông tin trên mạng, đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong ứng xử và tham gia MXH. Khi được trang bị phông kiến thức, văn hóa tốt, mỗi người sẽ có đủ năng lực và sự tỉnh táo cần thiết để kiểm chứng thông tin trên MXH, phân biệt rạch ròi giữa thông tin trên MXH và thông tin trên báo chí chính thống để có ứng xử phù hợp.
Đặc biệt, với người làm báo, càng phải chú trọng tích lũy kiến thức, trau dồi chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh đủ sức "đề kháng" - không chỉ nhận biết mà còn phản bác - với tin độc, tin giả. Cẩn trọng trong hoạt động nghiệp vụ, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghề báo như chính xác, chính thống, nhanh nhạy... sẽ góp phần đắc lực thực hiện sứ mệnh mới của báo chí như nhắn nhủ của Thủ tướng với người làm báo hôm nay.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc