Chu đáo với nơi yên nghỉ của liệt sỹ
Bằng tình cảm, trách nhiệm, lòng kính trọng và tri ân các anh hùng liệt sỹ, thời gian qua các cán bộ, tổ viên Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh luôn làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc các phần mộ; tiếp đón thân nhân gia đình liệt sỹ, khách thập phương; cải tạo, xây dựng cảnh quan, khuôn viên, môi trường xanh, sạch, đẹp…
Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh có diện tích gần 9 ha, là nơi yên nghỉ của hơn 2.200 liệt sỹ, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn. Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nên cơ sở vật chất, diện mạo nghĩa trang ngày một khang trang, sạch đẹp, chính quy.
Trung bình mỗi ngày Tổ quản trang đón tiếp từ 30 - 40 lượt thân nhân, gia đình liệt sỹ từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, dâng hương. Vào các dịp lễ, tết hay Ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7) hằng năm, lượng người thường tăng cao gấp nhiều lần. Được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc các phần mộ và phục vụ chu đáo các đoàn khách, hằng ngày các thành viên của tổ phải có mặt từ rất sớm lo chuẩn bị hương đèn, quét dọn, vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu vực nhà linh, nhà khách, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, đường đi lối lại… Việc cắt tỉa, chăm sóc hàng nghìn gốc tùng, bách diệp, phi lao, móng bò, hoàng lan, chuỗi ngọc và cắt cỏ thường chiếm phần lớn thời gian của các anh, các chị. Tuy không có nghiệp vụ chuyên môn về chăm sóc cây xanh nhưng bằng sự tâm huyết và tỉ mỉ, giờ đây ai cũng thạo nghề, biết việc.
Các thành viên Tổ quản trang đang chăm sóc các phần mộ. |
Đến nay chị Trần Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ quản trang đã có gần 20 năm gắn bó với nghề. Chị tâm sự: “Lúc tôi mới vào làm, khu vực nghĩa trang còn khá hoang vu, hẻo lánh, xung quanh chỉ toàn lau sậy. Khu nhà linh và phòng nghỉ của nhân viên là dãy nhà cấp 4 xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp. Mỗi khi có thân nhân, gia đình liệt sỹ ở xa đến thắp hương, mọi người đều phải nhường giường cho khách nghỉ.
Ngày ấy, Nhà nước chưa có chủ trương cho thân nhân, gia đình được cất bốc hài cốt liệt sỹ hồi hương nên việc canh trực, bảo vệ rất căng thẳng, áp lực. Dịp cao điểm, cả tổ phải dựng lán, ngủ ngoài nghĩa trang để trông coi. Nhìn những người mẹ, người vợ già nua, khắc khổ ôm mộ chồng, con mình gào khóc, thiết tha được đón các anh về, đã không ít lần chúng tôi ôm mặt khóc tu tu cùng họ. Mọi người chỉ biết động viên nhau tiếp đón, phục vụ ân cần, chu đáo và ra sức thuyết phục để bà con yên tâm, thoải mái quay về. Thi thoảng, cả tổ còn góp tiền mua vé xe cho người nhà liệt sỹ về quê.
Giờ đây, những chuyện ấy đã không còn, thân nhân gia đình liệt sỹ đến thăm đều được ở trong nhà khách khang trang, sạch sẽ, nếu có nguyện vọng đón rước, hồi hương liệt sỹ về quê sẽ được cơ quan chức năng quan tâm hướng dẫn, giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời. Hiện nay, trong nghĩa trang chỉ có 4 phần mộ liệt sỹ là nữ nên ngoài các hoạt động thường xuyên, vào Ngày Quốc tế phụ nữ và Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam hằng năm chúng tôi đều chuẩn bị hương đèn, trái cây dâng lên các chị, các cô. Nhiều năm, cả gia đình tôi cùng vào đón giao thừa ở nghĩa trang. Tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để phục vụ các cô, các chú được tốt hơn”.
Đang tất bật xới đảo các bát nhang, anh Nguyễn Xuân Hòa, tổ viên Tổ quản trang chia sẻ: “Mưa xuống, cát thường bị vón cục, do đó cứ vài ngày chúng tôi lại phải đảo cát lên một lần để mọi người đến viếng cắm nhang được dễ dàng hơn. Với chúng tôi, mỗi phần mộ đều như tri kỷ. Việc tu sửa, vệ sinh, chăm sóc được mọi người thực hiện chu đáo với tất cả lòng thành kính. Mỗi lần nghe tin có hài cốt mới được đưa về hay địa phương sắp tổ chức lễ an táng, truy điệu hài cốt các liệt sỹ do Đội K51 (Bộ CHQS tỉnh) quy tập được, tâm trạng ai cũng bồi hồi, chỉ mong sao chuẩn bị chu toàn mọi việc. Ở đây cực nhất là mùa nắng, riêng việc tưới cây, tưới hoa cũng mất cả ngày trời. Mùa mưa, cây cối phát triển nhanh nên ngày nào cũng phải chia nhau cắt, tỉa. Sân đài tưởng niệm và toàn bộ đường đi lối lại đều lát đá hoa cương nên ngày nào chúng tôi cũng phải lau chùi sạch sẽ, cẩn thận. Nhờ hệ thống cây xanh tươi tốt nên khuôn viên nghĩa trang lúc nào cũng ngan ngát hương thơm, không khí rất trong lành, dễ chịu. Chim chóc từ đâu kéo về làm tổ rất nhiều. Thấy các bác, các cô được mồ yên, mả đẹp, thấy thân nhân, gia đình liệt sỹ mỗi lần đến thăm đều thoải mái, hài lòng mà chúng tôi cứ vui lây vậy đó. Tuy lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng với tình cảm đặc biệt dành cho các anh hùng, liệt sỹ và sự yêu nghề nên sau khi có quyết định nghỉ hưu tôi vẫn xin ở lại làm với mọi người”.
Lễ truy điệu và an táng các hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh vào tháng 5-2019. |
Ngoài chị Hoa, anh Hòa, Tổ quản trang còn có 3 thành viên nữa là anh Đỗ Viết Mão, Trần Thiện Thắng, Nguyễn Quốc Toản. Cơ duyên đến với nghề quản trang của mỗi người cũng rất khác nhau, có người vốn là bộ đội xuất ngũ, người khác lại là công nhân hay cán bộ, công chức… song tất cả đều có một điểm chung là nghĩa cử tri ân cao đẹp và tinh thần, thái độ làm việc rất nhiệt tình, trách nhiệm. Tháng 7, tháng của tri ân, đây cũng là lúc các thành viên Tổ quản trang vất vả, bận rộn nhất trong năm, song với các anh, các chị, được góp phần nhỏ bé trong việc bảo vệ, chăm sóc các phần mộ, tiếp đón thân nhân, gia đình, đồng đội các anh hùng liệt sỹ từ khắp mọi miền Tổ quốc về thăm viếng là niềm hạnh phúc lớn.
Lê Hà
Ý kiến bạn đọc