Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ sinh kế giúp thoát nghèo bền vững

09:19, 01/07/2019

Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm giúp đỡ những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo là một trong những hoạt động được Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Điển hình là Chương trình “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, được Hội triển khai và nhân rộng từ năm 2013 đến nay. Hội đã đứng ra vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đóng góp để hỗ trợ mua bò giống cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ là trụ cột gia đình, nạn nhân chất độc da cam…

Theo đó, mỗi hộ sẽ được trao tặng một con bò giống trị giá từ 10-15 triệu đồng và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh đồng thời cam kết nuôi bò tốt, không bán hay làm thịt. Sau khi nuôi, nếu bò giống đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được sở hữu con bò giống ban đầu. Trong trường hợp là bê đực, Hội sẽ tổ chức bán và vận động thêm kinh phí để mua một con bò cái trao cho hộ nghèo khác.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột trao tặng bò cho hộ nghèo ở xã Ea Tu.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột trao tặng bò cho hộ nghèo ở xã Ea Tu.

 Với cách làm này, sau 6 năm triển khai, từ 17 con bò được trao ban đầu, đến nay tổng đàn bò giống đã tăng lên 37 con (trị giá 550 triệu đồng). Từ sự hỗ trợ này, nhiều gia đình hội viên đã có cơ hội thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Gia đình ông Bùi Phi Hùng (xã Ea Tu) là một trong những hộ đầu tiên được Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột trao tặng bò giống vào năm 2013. Gia đình ông Hùng thuộc diện hộ nghèo của địa phương lại đông con, không có đất sản xuất nên mọi chi tiêu hằng ngày đều trông chờ vào công việc buôn bán nhỏ ở chợ của vợ. Sau 1 năm chăn nuôi, ông Hùng đã có bê con để chuyển giao cho hộ nghèo khác. Cùng với con bò giống được sở hữu, ông đã mạnh dạn vay vốn mua thêm 2 con bò khác để mở rộng chăn nuôi. Đến nay, đàn bò nhà ông đã phát triển lên 10 con, nhờ đó gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và có đủ điều kiện để nuôi con ăn học.

Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột đã tặng bò giống, hỗ trợ vốn cho 9 hộ nghèo với số tiền là 26 triệu đồng; vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình với tổng số tiền hơn 143 triệu đồng.

Ngoài việc tặng vật nuôi cho người nghèo từ Chương trình “Ngân hàng bò”, Hội Chữ thập đỏ thành phố cũng đã tranh thủ nguồn vốn từ Dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ để cho 31 hộ gia đình tại 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Tu vay đầu tư chăn nuôi (bò, dê), với tổng số tiền là 350 triệu đồng.

Để giúp đỡ các hội viên có thêm nguồn vốn làm kinh tế, thông qua phong trào “Nhiều người giúp nhiều người” Hội đã vận động sự đóng góp của hội viên cùng với hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân tại địa phương nhằm giúp vốn (không tính lãi) cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đầu tư chăn nuôi, mua phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Từ đầu năm  đến nay, các cấp Hội cơ sở đã tạo điều kiện cho 107 hội viên vay, với tổng số tiền gần 150 triệu đồng.

Hầu hết các hộ được vay đều sử dụng vốn có hiệu quả và đúng mục đích. Đơn cử trường hợp gia đình anh Trang Minh Phú (phường Thành Công) vốn là hộ nghèo, vợ chồng anh làm nghề bán hàng rong. Năm 2018, gia đình anh được Hội Chữ thập đỏ phường xét duyệt cho vay 3 triệu đồng để mua 1 chiếc máy ép nước mía làm phương tiện buôn bán. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau 1 năm gia đình anh đã trả được nợ và chính thức thoát nghèo.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Thị Lý trao tiền hỗ trợ cho nạn nhân bị tai nạn giao thông ở phường Ea Tam.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Thị Lý trao tiền hỗ trợ cho nạn nhân bị tai nạn giao thông ở phường Ea Tam.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc triển khai các chương trình, phong trào lớn thì các cấp Hội cơ sở cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để giúp đỡ hội viên như hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi, phương tiện sinh kế… Qua đó, giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, cải thiện cuộc sống; góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.