Những thương binh "tàn nhưng không phế"
Thân thể đầy thương tích, mỗi khi “trái gió trở trời" toàn thân đau nhức tưởng chừng như không chịu đựng nổi, nhưng với ý chí, nghị lực, họ đã vượt khó khăn, thử thách của cuộc sống đời thường, tiếp tục là tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Còn sức còn cống hiến
Hơn 40 năm qua, trên gương mặt của ông Y Bhók Mlô (còn gọi là Ma Đăm) - thương binh 1/4 ở buôn H’đing (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) lúc nào cũng hiện hữu miếng gạc che hết vùng chữ T để bảo vệ “chứng cứ” của ngày 20-10-1976 khi ông đang làm nhiệm vụ trong đội du kích của UBND xã Ea Đê (nay là xã Tân Lập, huyện Krông Búk). Theo lời kể của ông Ma Đăm: "Ngày hôm đó có một nhóm Fulro tấn công UBND xã Ea Đê, kiên quyết chống lại nên tôi bị bắn vào mặt, đến khi tỉnh lại mới biết mình đang cấp cứu ở Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh). Bác sĩ điều trị cho biết, tôi rất may mắn, nếu viên đạn bắn lệch một chút nữa mạng sống khó giữ được, tuy nhiên vùng xương mặt gần như bị nát hoàn toàn. Các bác sĩ đã cố gắng điều trị, phẫu thuật lắp, ghép lại xương mặt nhưng toàn bộ vùng mũi không còn".
Ông Ma Đăm ở buôn H’đing (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) chia sẻ kỷ niệm các chuyến an dưỡng. |
Vết thương lành lặn, về lại buôn làng, ông Ma Đăm mang nặng tâm lý tự ti về gương mặt không hoàn chỉnh, cùng với đó là những khó khăn về kinh tế do chi phí điều trị nhiều. Song được sự động viên của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, ông Ma Đăm động viên vợ, các con chuyên tâm chăm sóc 8 ha cà phê, trong đó có 5 ha đất thuê của Nhà nước. Đến nay, bốn người con của ông đã lập gia đình, ổn định cuộc sống riêng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Ma Đăm còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Đặc biệt, năm 1992 ông Ma Đăm quyết định nhổ bỏ 62 gốc cà phê trong vườn nhà mình để làm con đường nội buôn dài gần 200 m giúp bà con đi lại thuận lợi hơn. “Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, đường sá trong buôn lầy lội, bà con vận chuyển nông sản vất vả lắm. Mình mất vài chục gốc cà phê nhưng giúp bà con đỡ cực”, ông Ma Đăm chia sẻ.
Năm nay 62 tuổi, vết thương trên gương mặt thường xuyên đau nhức, nhưng với suy nghĩ còn sức còn cống hiến vợ chồng ông Ma Đăm vẫn đang chăm sóc 4 sào vườn tạp và 3 sào cà phê, mỗi năm cho thu nhập gần 130 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng ông còn mở quán bún trước nhà, mỗi ngày kiếm thêm khoảng 200.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Vân - vợ ông Ma Đăm trò chuyện: “Phần mũi của ông bị trúng đạn không còn nữa, lúc trước thở đã khó rồi, giờ có tuổi lại càng khó nhọc hơn. Không muốn trở thành gánh nặng của con cái, vợ chồng tôi quyết định chọn việc buôn bán để phù hợp với sức khỏe”.
Thương binh "hai giỏi"
Năm nay dù đã 73 tuổi, nhưng thương binh 1/4 Kbuôr Y Rô ở tổ dân phố 7 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) vẫn giữ tinh thần lạc quan, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Krông Năng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), năm 12 tuổi ông Y Rô đã làm liên lạc cho cách mạng. Năm 1962, ông thoát ly, tham gia bộ đội trinh sát thuộc Tỉnh đội Đắk Lắk đóng tại huyện H2 (nay là xã Ia Rsai, Krông Pa, tỉnh Gia Lai), sau đó được điều động về Trạm giao bưu thông tin liên lạc Bưu điện Đắk Lắk. Đất nước giải phóng, ông Y Rô chuyển về Đội công tác truy quét Fulro đóng tại buôn Dlung (xã Thống Nhất, huyện Krông Búk). Năm 1980, trong một lần tham gia truy quyét Fulro, ông Y Rô bị thương nặng. “Khoảng 20 giờ ngày 3-3-1980, trong lúc bàn chiến thuật cùng hai đồng đội thì bất ngờ bị các đối tượng Fulro phục kích. Tôi cùng đồng đội bắn trả, tiêu diệt được bốn tên, đêm tối khiến tôi mất cảnh giác nên bị Fulro bắn vào chân, trước khi ngất đi tôi chỉ nghe một loạt tiếng súng rền vang. Lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm điều trị tại Bệnh viện huyện Krông Búk, trên người dây garo quấn chằng chịt, chân và tay không có cảm giác gì”, ông Y Rô nhớ lại.
Thương binh Kbuôr Y Rô (thị xã Buôn Hồ) chăm sóc vườn cây cảnh. |
Trở về sau những ngày điều trị với chân và tay phải bị cưa cụt, mất 81% sức khỏe, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Y Rô hăng say lao động sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành. Được Nhà nước hỗ trợ lắp chân giả và định kỳ kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Phục hồi chức năng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ông Y Rô dần làm quen với chân giả, tự mình chăm sóc bản thân, phát triển kinh tế trên 9 sào đất được cấp. "Từng mảng da bị tróc, máu rịn trên cánh tay tật nguyền mỗi khi lao động, nhưng nếu không vượt qua nỗi đau thể xác, vợ con sẽ đói", ông Y Rô tự động viên mình. Sau những nỗ lực, cố gắng, kinh tế gia đình ông Y Rô dần ổn định. Vợ chồng ông mở rộng chuồng trại để tăng thêm thu nhập.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Y Rô thường xuyên cùng thành viên Ban tự quản tổ dân phố đến từng nhà vận động bà con nhân dân trong tổ tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng đời sống văn hóa”…, góp phần xây dựng tổ dân phố văn hóa. Gia đình ông Y Rô nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.
Chiến thắng thương tật
19 tuổi, ông Trương Tấn Nhẫn (SN 1961) quê ở Quảng Nam nhập ngũ vào Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, Quân khu 5 tham gia chiến đấu tại tỉnh Preah Vihear (Vương quốc Campuchia). Một ngày cuối tháng 3-1981, khi cùng đồng đội mở đường tải gạo, vô tình lọt vào ổ phục kích của địch, ông Nhẫn bị cụt chân phải, rũ bàn chân trái, cùng hai mảnh mìn găm vào đầu phải điều trị tại bệnh viện ở Campuchia, sau đó chuyển đến bệnh viện TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn…
Năm 1983, ông Nhẫn xuất ngũ về quê hương Quảng Nam sinh sống với những khiếm khuyết trên cơ thể, ông tìm đến hai nhà may tư nhân để xin học nghề nhưng đều bị từ chối. Không nản lòng, nhờ bạn bè giới thiệu, ông Nhẫn tìm đến một tiệm may khác ở huyện Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), thầy dạy may e ngại khi thấy ông thuận tay trái, một chân cụt, một chân bị thương nặng nên khuyên ông nên chọn nghề khác. Sau nhiều lần năn nỉ, thuyết phục, chủ tiệm may cho ông Nhẫn một tuần để làm quen với nghề, nếu làm được sẽ nhận vào học. Dù vô cùng khó khăn nhưng ông Nhẫn đã cắt, may được bằng tay phải, sử dụng máy may thuần thục. Hằng ngày, ngoài đến tiệm may học nghề, ông Nhẫn còn tìm mua một số tạp chí thời trang để tìm hiểu xu hướng may mặc thời bấy giờ. Thấy chủ tiệm may thường mua các máy may cũ về sửa, ông Nhẫn ở lại giúp đỡ, nhờ đó mà biết thêm nghề sửa máy may.
Vợ chồng ông Trương Tấn Nhẫn - Loan Thị Hoa (thôn 4, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc). |
Năm 1984, rời quê hương Quảng Nam, ông Nhẫn đến thôn 4 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) mở tiệm may Tấn Nhẫn chuyên may âu phục nam. Không bao lâu, hiệu may của ông được nhiều người biết đến nhờ đường may đẹp, kiểu mẫu bắt mắt, hợp thời. Năm 1990, ông Nhẫn lập gia đình với bà Loan Thị Hoa cũng làm nghề may. Tiệm may của vợ chồng ông Nhẫn đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động và thường xuyên có nhiều người đến học nghề.
Năm 2015, hai mảnh mìn găm trong đầu lại hành hạ cơ thể khiến ông Nhẫn mất ngủ triền miên, trí nhớ giảm sút, bác sĩ khuyên nên hạn chế lao động để bảo đảm sức khỏe, ông ngậm ngùi đóng cửa tiệm may Tấn Nhẫn sau nhiều năm gắn bó. Ông Nhẫn chuyển sang sửa chữa máy may, máy vắt sổ, máy thêu, đồng thời mày mò tìm hiểu cách sửa chữa các thiết bị điện gia dụng...,để tạo thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học. Hiện tại hai người con lớn của ông Nhẫn đã học xong đại học, có việc làm với thu nhập khá, còn người con út đang học lớp 12. "Dẫu cuộc sống có những khó khăn, nhưng nhờ biết chiến thắng thương tật, tôi đã tạo dựng hạnh phúc cho gia đình ", thương binh 1/4 Trương Tấn Nhẫn chia sẻ.
Các ông Y Bhók Mlô, Kbuôr Y Rô và Trương Tấn Nhẫn là 3 trong số 6 đại biểu của tỉnh vinh dự được tham dự chương trình Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn và UBND TP. Hà Nội tổ chức từ ngày 23 đến 25-7 nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2019). |
Hoàng Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc