Rưng rưng tháng của nhang trầm...
Năm nào cũng vậy, tháng bảy về, lòng mỗi người con trên dãi đất hình chữ S này lại rưng rưng thương nhớ. Trong tâm thức của mình, tôi hay gọi tháng bảy - tháng đền ơn đáp nghĩa là tháng của nhang trầm. Nén nhang thắp lên trong những ngày này là sự kính trọng thiêng liêng mà mỗi người dân đất Việt muốn gửi gắm.
Thật khó để tìm thấy khoảnh khắc nào trong năm khiến con người ta dễ chạnh lòng nghĩ ngợi đến vậy. Không nghĩ sao được khi đã từng có lớp lớp người chẳng sá gì tuổi xuân, tính mạng, hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Hoặc nếu may mắn sống sót trở về, phần lớn đã không giữ được một thân thể nguyên vẹn hoặc chiến tranh đã cướp đi của họ niềm hạnh phúc trọn vẹn. Những vết thương mà các Mẹ, các anh, các chị mang trong mình một lần nữa lại in đậm trong tâm thức mỗi người về cuộc chiến khốc liệt, về những đau thương đã từng trải, không dễ gì quên. Có đi, có gặp thì càng thêm hiểu rằng, nhang trầm của tháng bảy nghi ngút khói hơn bao giờ hết...
Tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột bày tỏ lòng tri ân trước các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Q.Anh |
Tôi đã lặng người khi biết một phần những đau thương mất mát mà họ phải gánh chịu khi đất nước đã im tiếng súng từ mấy chục năm rồi. Đó là hoàn cảnh của anh thương binh Hoàng Thanh Tấn (khối 6, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). Rời quân ngũ từ năm 1973, anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Mão rồi có với nhau mấy mụn con. Thấy các con lớn lên, mặt mũi tươi tắn, anh thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng “thứ chất độc tai họa khi xưa kia may mà không dính líu gì với mình”. Nhưng chưa được bao lâu thì đứa con đầu lòng của anh bị bại liệt, nằm một chỗ rồi bỏ vợ chồng anh mà ra đi. Những đứa sau may mà lành lặn ở lại với bố mẹ, nhưng đến người con gái út lại có dấu hiệu tâm thần không bình thường do bị nhiễm chất độc da cam từ chính người cha của mình.
Hơn 20 năm nay, hai vợ chồng phải đắng lòng, ngậm ngùi nhìn con trong những cơn vật vã, thậm chí có lúc chính người cha phải dùng sợi dây xích siết chặt con lại. Giấu giọt nước mắt chảy ngược vào trong, anh tự giục mình: “Phải cố gượng dậy mà sống, mà tiếp tục làm ăn”.
Tôi đắng lòng khi biết rằng khói lửa chiến tranh đã lùi xa nhưng thứ chất bột màu trắng ngày ấy đã tước đi cái hạnh phúc được làm mẹ của chị Phạm Thị Lan (thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar). Tình nguyện tham gia thanh niên xung phong năm 16 tuổi, chị từ quê hương Thái Bình đến chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình để nhận nhiệm vụ sửa đường, lấp hố bom, bảo đảm giao thông qua “chảo lửa” khốc liệt này. Trở về sau cuộc chiến, nhưng tuổi xuân đã đi qua, một thời xông pha nơi trận mạc "đánh cắp" luôn của chị khả năng làm mẹ, chuyện riêng đành bỏ ngỏ… Giờ, chị Lan chỉ sống có một mình nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương.
Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. |
Mỗi độ tháng bảy về, tôi cũng hiểu những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt già nua của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đố (sinh năm 1930, hiện ở xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) khi nhìn lên di ảnh của chồng và con. Cuộc chiến khốc liệt đã đi qua nhưng nỗi đau còn âm ỉ trong lòng Mẹ khi chồng và con trai ra đi, đi mãi chẳng về… Mẹ khóc chẳng thành tiếng, nhưng từng giọt nước mắt như rơi lặn ngược vào tim.
Trong những ngày tháng bảy, cùng với cả nước, các ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông đã anh dũng ngã xuống và những gia đình chính sách mà cả dân tộc đang chịu ơn họ. Tháng bảy về, cũng có những nghẹn ngào nấc không thành tiếng mà những ai đã từng một lần đi qua mới hiểu thấu. Thành ra, những món quà tuy nhỏ nhưng sâu nặng nghĩa tình sẻ chia, những lời hỏi thăm ân cần dịp này chỉ mong góp thêm một chút an ủi, xoa dịu đi nỗi mất mát không thể bù đắp được cho các Mẹ, các gia đình chính sách trên địa bàn. Đó cũng là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc