Multimedia Đọc Báo in

Trưởng thành hơn từ Học kỳ quân đội

11:05, 29/07/2019

Được tổ chức vào mỗi dịp hè, Chương trình Học kỳ trong quân đội là một sân chơi bổ ích, hấp dẫn, là môi trường để thể hiện những ước mơ và hoài bão, bồi dưỡng nhân cách và phát triển tài năng cho thanh thiếu nhi.

Học kỳ trong quân đội (SIA) là mô hình giáo dục tổng hợp tiêu biểu dành cho thanh thiếu nhi thông qua chương trình rèn luyện trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội, được Tỉnh Đoàn tổ chức từ năm 2010. Trong đó, giai đoạn 1 (2010-2012) chương trình chỉ dành cho lứa tuổi thanh niên từ 16 đến 18. Bắt đầu từ năm 2013 đến nay, Ban tổ chức chính thức áp dụng cho cả lứa tuổi thiếu nhi (từ 9 đến 14) và duy trì song hành 2 lớp/năm.

Các
Các "chiến sĩ nhí" tham gia hành quân dã chiến.

Tham gia chương trình, trong khoảng thời gian 1 tuần, các “chiến sĩ nhí” được trang bị một số kiến thức cơ bản về quốc phòng – an ninh, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm quen với môi trường quân đội, rèn luyện tính tự chủ, kỷ luật, bản lĩnh, nề nếp và tác phong của quân nhân; được bồi dưỡng kỹ năng xã hội, kỹ năng sống nhằm định hướng và giúp các em xây dựng sự tự tin, trung thực, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, sự chia sẻ, biết quan tâm tới gia đình, bạn bè và những người xung quanh.

Thượng úy Ralan Huỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 303 cho biết: “Mỗi năm, Ban tổ chức chương trình đều nghiên cứu, sắp xếp khoa học, hợp lý, bảo đảm nội dung phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em. Đối với thiếu nhi, kết cấu chương trình gồm nội dung huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, huấn luyện các nội dung hậu cần, rèn luyện thể lực. Lớp thanh niên sẽ được trang bị chuyên sâu hơn về truyền thống lịch sử đơn vị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Với việc xây dựng nội dung dựa trên sự tương tác giữa môi trường quân đội, tạo ra có các yếu tố đặc trưng như tính kỷ luật, tập thể, tự giác, rèn luyện đức tính tốt đẹp của người lính. Sống trong môi trường tập thể, các em phải luôn đề cao tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và tác phong nhanh nhẹn trong mọi hoạt động”.

Tham gia trò chơi team building.
Tham gia trò chơi team building.

Là chiến sĩ kỳ cựu khi có tới 3 lần tham gia “Học kỳ trong quân đội”, em Nguyễn Xuân Nhật Linh chia sẻ: “Mỗi chương trình em tham gia đều có nhiều hoạt động mới rất vui và bổ ích. Bước vào môi trường quân đội, mỗi bạn đều phải tự rèn cho mình tính tự lập khi không còn được bố mẹ chăm lo cho như ở nhà. Nhờ tham gia chương trình mà em trở nên tự tin hơn rất nhiều”.

Trong 10 năm (2010-2019), Chương trình Học kỳ trong quân đội do Tỉnh Đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục – Đào tạo phối hợp tổ chức thu hút hơn 1.700 thanh thiếu nhi trong và ngoài tỉnh tham gia.

Với em Nguyễn Đức Hoàng thì điều hấp dẫn nhất trong Chương trình Học kỳ quân đội năm 2019 mà em tham gia là bên cạnh các hoạt động có tính quân sự thì em cùng các bạn còn được học kỹ năng thực hành xã hội, các chuyên đề giúp phát huy tinh thần đoàn kết, tư duy sáng tạo có thể áp dụng trong học tập cũng như cuộc sống. Đặc biệt có những chuyên đề giúp em tích cực hơn trong suy nghĩ, lối sống, hướng đến những điều tốt đẹp, đầy giá trị nhân văn.

Sau mỗi khóa Học kỳ trong quân đội, sự vui mừng của phụ huynh chính là sự trưởng thành của con em mình trong cả suy nghĩ và hành động. Chương trình có tác động lớn, giúp gắn kết các em với tập thể. Đây cũng là quãng thời gian giúp các con học tập cách sống tự lập chủ động, biết chia sẻ với cha mẹ và thương yêu mọi người.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho hay: “Trải qua 10 năm tổ chức, Học kỳ trong quân đội đã trở thành chương trình chất lượng, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, quan tâm rất lớn từ phụ huynh cũng như thanh thiếu nhi trong mỗi dịp hè. Để có được kết quả đó, qua mỗi năm Ban chỉ đạo chương trình thường xuyên có những cuộc họp rút kinh nghiệm, trong đó đặc biệt tập trung cho công tác tuyên truyền để chương trình lan tỏa rộng rãi đến các địa bàn, giúp thiếu nhi trong toàn tỉnh có cơ hội tiếp cận cũng như tham gia. Đồng thời, Ban tổ chức cũng phát huy tối đã vai trò phối hợp của các đơn vị, nâng cao chất lượng các nội dung chuyên đề, huấn luyện, góp phần tạo sự mới mẻ, cảm hứng cho các em; chú trọng đào tạo tập huấn bồi dưỡng cán bộ khung, điều phối viên để chương trình thực sự trở thành sân chơi bổ ích”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.