Multimedia Đọc Báo in

Tiếp thêm động lực cho nạn nhân da cam

09:46, 09/08/2019
Dẫu mang trong mình nỗi đau da cam, song bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) trên địa bàn huyện Krông Búk đã cố gắng vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
 
Nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ thương tật trên 80%, nên dù đã gần 40 tuổi nhưng chị Dương Thị Bình (ở thôn 5, xã Tân Lập, huyện Krông Búk) vẫn ngây ngô như một đứa trẻ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân.
 
Chị Dương Thị Lan, chị gái của chị Bình kể: "Sau khi bố mẹ qua đời, nghĩ đến em một mình côi cút không thể lo cho bản thân nên tôi quyết định ở vậy để chăm sóc em. Bản thân tôi không có nghề nghiệp, cuộc sống của hai chị em chỉ trông cậy vào mảnh đất bố mẹ để lại nên khó khăn chồng chất”.
 
Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hỗ trợ gia đình chị Bình xây dựng nhà Tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng, đến năm 2018 Hội tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hai chị em một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng làm kế sinh nhai. Từ sự hỗ trợ ấy, cuộc sống của chị Bình và chị Lan đã từng bước ổn định. 
 
Chị Dương Thị Lan chăm sóc bò giống do Hội NNCĐDC huyện hỗ trợ.
Chị Dương Thị Lan chăm sóc bò giống do Hội NNCĐDC huyện hỗ trợ.
Chị Lan chia sẻ: “Có nhà ở kiên cố, khang trang, lại có bò sinh sản để gây dựng kinh tế, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển kinh tế. Ngay trong năm 2018, bò đã đẻ bê con, sau một thời gian chăm sóc tôi bán bê được hơn 8 triệu đồng. Hiện giờ bò đang chuẩn bị đẻ lứa thứ 2. Nguồn thu nhập từ bò, cộng thêm nguồn thu từ 7 sào cà phê làm khoán, tôi đã có chút vốn liếng đầu tư thêm 300 gốc tiêu và một số cây ăn trái trong vườn nhà. Gia đình tôi đã được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của thôn”.
 
Bà Nguyễn Thị Chính (ở thôn 10, xã Pơng Drang) từng làm giao liên trong kháng chiến ở quê nhà Quảng Ngãi và bị địch bắt tù đày. Bà bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ thương tật 61%. Giờ đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe, khả năng lao động của bà Chính ngày càng suy giảm nên cuộc sống hết sức khó khăn. Song nhờ được Hội NNCĐDC/dioxin huyện thường xuyên động viên, thăm hỏi và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ 58 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới đã giúp tinh thần bà thêm lạc quan, tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Để sự hỗ trợ cho các NNCĐDC được duy trì bền vững, trong thời gian tới Hội NNCĐDC huyện Krông Búk sẽ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ các khoản kinh phí giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn. Đặc biệt, mỗi cán bộ công chức viên chức trên địa bàn sẽ đóng góp 50.000 đồng/người để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Hội cấp xã và chăm lo đời sống cho NNCĐDC ngày một tốt hơn.

Bà Chính bộc bạch: “Được Hội quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở, tôi thấy mình cũng cần phải nỗ lực để không trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội. Hằng tháng, dù sức khỏe không được tốt, tôi vẫn cố gắng chăm sóc vườn cà phê của em trai để có thu nhập. Thời gian rảnh, ai có việc gì gọi tôi cũng đi làm công để kiếm tiền dành dụm cho những lúc ốm đau về sau”.

Với ông Trần Xuân Minh (thôn Nam Tân, xã Chư Kbô), không chỉ bản thân ông bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ tham gia kháng chiến, mà đứa con út sinh ra trong thời bình cũng bị nhiễm từ bố, gần 30 năm qua vẫn phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, cuộc sống của gia đình có 2 nạn nhân chất độc da cam càng thêm cơ cực. Thế nhưng, được Hội NNCĐDC/dioxin và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng và hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế, gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên cải thiện cuộc sống.
 
Trên địa bàn huyện Krông Búk hiện có 31 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi tham gia hoạt động kháng chiến và 49 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
 
Ông Ngô Hồng Phái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk cho biết: “Ðể kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, phần nào bù đắp những thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam đang gánh chịu, huyện đã quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, Hội còn tích cực kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân.
 
Tính từ khi thành lập (năm 2010) đến nay, Hội đã vận động được trên 987 triệu đồng để thực hiện các hoạt động: thăm hỏi, trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 11 nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng 12 sổ tiết kiệm, tặng xe lăn, tặng bò sinh sản để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân…
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk đã vận động các mạnh thường quân đóng góp trên 70 triệu đồng thực hiện các hoạt động: tặng quà Tết, tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho thân nhân, người nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Từ những sự hỗ trợ này, các hội viên, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn đã có thêm động lực để vươn lên. Đến nay, 100% hội viên đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định, nhiều hội viên tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động của Hội và phong trào ở địa phương”.
 
Kim Oanh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.